Giáo dục

Nghệ An: Hàng ngàn giáo viên mầm non hợp đồng bị chậm lương

17:16, 16/09/2022
Hàng ngàn giáo viên mầm non hợp đồng tại Nghệ An, bị chậm lương, vướng mắc về nguồn chi trả lương, khiến đời sống gặp nhiều khó khăn.

Hơn 1.700 giáo viên mầm non bị chậm lương

Hàng ngàn giáo viên mầm non hợp đồng tại Nghệ An bị chậm lương, vướng mắc về nguồn chi trả lương, khiến đời sống gặp nhiều khó khăn
Hàng ngàn giáo viên mầm non hợp đồng tại Nghệ An bị chậm lương, vướng mắc về nguồn chi trả lương, khiến đời sống gặp nhiều khó khăn

Phản ánh đến Báo Công Thương, nhiều giáo viên mầm non hợp đồng trên địa bàn huyện Tân Kỳ từ tháng 5/2022 đến nay không có lương, đời sống hết sức khó khăn, chật vật.

Giảng dạy tại trường mầm non tại huyện Tân Kỳ với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng. Tiền sinh hoạt của cả gia đình ngày càng đắt đỏ khiến cuộc sống của cô giáo H.B.H luôn trong tình cảnh khó khăn, do nuôi 2 con nhỏ, chồng cũng đang thất nghiệp. Đã vậy, nhiều tháng nay bị chậm lương khiến cô phải đi vay nợ khắp bạn bè, gia đình… để có thể bám trường, bám lớp.

“Lương giáo viên mầm non vốn đã thấp, dịch bệnh khiến cuộc sống khó khăn, đến nay là đã 4 tháng liền không có lương, hầu hết giáo viên rất mệt mỏi, bức xúc và hoang mang, lo lắng. Một số người chia sẻ ý định bỏ việc…”, cô H.B.H chia sẻ.

"Lo lắng, hoang mang, chán nản… chúng tôi phải rơi nước mắt khi ở vào hoàn cảnh này. Khi chúng tôi đã cống hiến cho ngành giáo dục nhiều năm mà giờ sắp tới kỳ tuyển dụng của huyện, lần này không biết có được vào biên chế không, không biết có được nhận lương đúng thời hạn không, tương lai rồi sẽ đi về đâu?...", cô giáo N.T.H nói.

Không chỉ ở Tân Kỳ, tại huyện Yên Thành (Nghệ An) cũng xảy ra tình trạng chậm lương. Cô N.T.M, giáo viên hợp đồng trường mầm non ở huyện Yên Thành cho hay: “Trên địa bàn huyện, nhiều bạn bè em ở nhiều trường mầm non cũng bị chậm lương, có trường 2-3 tháng. Riêng trường em, 2 tháng nay chưa có lương…”. Cũng theo cô N.T.M, “trường nào có ngân sách thì cho giáo viên ứng lương còn trường nào không có thì đành chịu...”.

Hiện, cô đang mở lớp dạy múa cho trẻ, ngoài ra còn biểu diễn, làm MC cho một số sự kiện trên địa bàn để có thêm thu nhập, để trang trải cuộc sống.

Vẫn phải chờ...

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Tân Phương - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ cho biết: Tân Kỳ hiện có 105 giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06/2018, được hưởng lương từ nguồn ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, các chính sách đối với giáo viên được ký hợp đồng theo Nghị định 06/2018 đã hết hiệu lực vào tháng 12/2021. Từ đầu năm 2022 đến tháng 4/2022, huyện đã trích ngân sách trả lương cho giáo viên. Từ tháng 5/2022 đến nay, huyện đang chờ triển khai Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Do đó, từ tháng 5/2022 đến nay, 105 giáo viên hợp đồng lao động của huyện chưa có lương. Tuy nhiên, huyện đã chỉ đạo các trường có sự hỗ trợ đối với các giáo viên này. 

Chậm lương ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và tâm lý đội ngũ giáo viên, gây khó khăn, bức xúc trong ngành giáo dục

“Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành, vừa qua Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn, huyện đã làm dự toán gửi Sở Giáo dục và Đào tạo thống kê gửi Sở Tài chính đề nghị cấp ngân sách để trả lương cho các giáo viên hợp đồng. Chúng tôi đang cố gắng để có lương sớm nhất cho các giáo viên này...”, ông Phạm Tân Phương cho biết.

Cũng theo ông Phương, sắp tới huyện Tân Kỳ sẽ tiến hành tuyển dụng giáo viên mầm non, ưu tiên tuyển dụng các giáo viên đang hợp đồng theo Nghị định 06 để bảo đảm ổn định đội ngũ cho năm học mới.

Qua thống kê, đến đầu năm 2022 toàn tỉnh Nghệ An còn 1.777 giáo viên hợp đồng hưởng lương kinh phí do ngân sách cấp theo Nghị định 06. Giáo viên mầm non ký hợp đồng theo Nghị định 06 là đối tượng ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, được hưởng đầy đủ chế độ chính sách như viên chức. Do các chính sách đối với giáo viên được ký hợp đồng theo Nghị định 06 hết hiệu lực vào tháng 12/2021, nên từ tháng 1/2022, 1.777 giáo viên hợp đồng lao động này không được cấp ngân sách để chi trả lương.

Vào tháng 7 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã thông qua dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 06 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ, nhằm tạo căn cứ pháp lý để các cơ sở giáo dục được bố trí nguồn kinh phí và có cơ sở để thực hiện việc chi trả tiền lương cho giáo viên mầm non đã có hợp đồng lao động theo các nghị định và thông tư trên tính tại thời điểm tháng 1/2022 đang giảng dạy ở các trường mầm non công lập thuộc tỉnh Nghệ An quản lý nhưng chưa được tuyển dụng vào viên chức. Dự kiến, trong năm 2022 là 127,297 tỉ đồng, năm 2023 là 94,267 tỉ đồng, những năm tiếp nhu cầu kinh phí giảm dần (do được tuyển dụng vào viên chức); kết thúc việc hỗ trợ đến hết năm 2025.

Tính đến 31/5/2022, toàn ngành giáo dục Nghệ An có tổng số 44.005 người, trong đó 3.441 cán bộ quản lý, 36.698 giáo viên và 3.866 nhân viên. Tuy nhiên, đây là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước với trên 7.800 biên chế, trong đó, thiếu nhiều nhất là bậc mầm non.
 

Hoàng Trinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện