Giáo dục

Nghệ An khắc phục thiếu phòng học

10:54, 03/09/2022
Quy mô học sinh tăng nhanh, trong khi cơ sở vật chất chưa kịp đáp ứng khiến nhiều trường học trên địa bàn TP Vinh phải tổ chức “học đuổi” hoặc sử dụng phòng cũ. Điều này khiến cả nhà trường và học sinh vất vả trong sắp xếp thời khóa biểu lẫn các hoạt động giáo dục toàn diện khác.
Phụ huynh khối 1 Trường Tiểu học Lê Lợi kiến nghị lên BGH nhà trường việc con em học ở dãy nhà cũ.

Phụ huynh không yên tâm

Sau ngày tựu trường, đại diện phụ huynh lớp 1 - Trường Tiểu học Lê Lợi, TP Vinh đã gửi kiến nghị đến ban giám hiệu nhà trường về việc sắp xếp cho khối này học trong dãy nhà cũ. Trong thư, phụ huynh bày tỏ lo lắng khi con em học ở dãy nhà cũ đã xuống cấp, có thể không an toàn. Đồng thời đề nghị cho khối 1 được học phòng mới, do các em còn non nớt, bỡ ngỡ khi chuyển sang môi trường tiểu học, cần được ưu tiên quan tâm từ gia đình, nhà trường, xã hội.

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Lê Lợi chính thức đưa vào sử dụng dãy nhà thứ 3 được xây mới. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quyên, cho biết, trường có quy mô học sinh rất lớn, năm học này có hơn 2.200 em/55 lớp, đông nhất tỉnh Nghệ An. Vì thế, mặc dù được chính quyền các cấp đầu tư cơ sở vật chất, nhưng 41 phòng học mới vẫn không đáp ứng được 55 lớp của 5 khối. Để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường phải sử dụng dãy nhà cũ, đồng thời mượn thêm 2 phòng học của Trường THCS Lê Lợi.

“Năm học này có đủ 55 phòng/55 lớp đã là điều rất đáng mừng với nhà trường. Bởi những năm trước, do không đủ phòng học, chúng tôi phải sắp xếp “học đuổi” cho một số khối lớp. Tức là những lớp này không có phòng chính, mà phải mượn phòng của các lớp khác, vất vả cho cả học sinh lẫn giáo viên”, cô Nguyễn Thị Quyên nói.

Về lý do bố trí, sắp xếp cho học sinh khối 1 sử dụng dãy phòng học cũ, cô Nguyễn Thị Quyên cho biết thêm, năm học 2021 - 2022, khối 2 của trường đã phải “học đuổi”. Vì vậy, năm nay khi lên lớp 3, nhà trường bố trí cho các em học ở dãy phòng mới. Bên cạnh đó, ưu tiên khối 4 - 5 vì phụ huynh đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ nhà trường bổ sung cơ sở vật chất, đồ dùng, trang thiết bị trong phòng học và chuẩn bị ra trường.

Hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định, dù là phòng học cũ, nhưng đã được tu sửa, đảm bảo đầy đủ các điều kiện dạy học. Trong mỗi lớp đều có quạt, điều hòa, tivi kết nối mạng Internet, tủ sách và nhiều đồ dùng khác… tương đồng với phòng học mới. Tất cả vật dụng này được kế thừa từ các khóa học trước để lại và phụ huynh khối 1 năm nay chưa phải đóng góp gì.

“Do trường học đang trong quá trình xây dựng nên chưa thể đảm bảo đồng bộ, nhưng chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học tập, sinh hoạt. Chúng tôi mong phụ huynh khối 1 chia sẻ với nhà trường. Đồng thời cam kết chất lượng dạy học, giáo dục toàn diện học sinh với phụ huynh”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi cho hay. 

Các lớp học trong dãy nhà cũ có đồ dùng thiết bị tương đồng phòng học mới, bảo đảm các điều kiện dạy học.

Khó tổ chức hoạt động ngoại khóa

Từ năm học 2019 - 2020, Trường Tiểu học Lê Lợi được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mới gồm 3 dãy phòng học và 1 dãy nhà hiệu bộ. Sau 3 năm, các dãy nhà học hoàn thành, gồm 45 phòng học. Trong đó có 4 phòng chức năng gồm phòng tin học và STEM, còn 41 phòng bố trí cho các lớp. Cô Nguyễn Thị Quyên cho hay, Lê Lợi là phường “nóng” về tuyển sinh của TP Vinh, đặc biệt những năm gần đây, số chung cư trên địa bàn tăng nhanh, học sinh phổ cập theo đó cũng biến động lớn. Với số phòng học hiện có, chắc chắc việc sử dụng cơ sở vật chất cũ vẫn phải tiếp tục trong thời gian tới.

Theo dự án được phê duyệt, dãy nhà hiệu bộ của Trường Tiểu học Lê Lợi chuẩn bị thi công, nhưng nhà trường đang đề xuất thay đổi thiết kế. “Thiết kế hiện là xây dựng nhà hiệu bộ 3 tầng, nhưng chúng tôi đang đề xuất tăng thêm 1 tầng, để có thêm 4 phòng học, đủ đáp ứng nhu cầu quy mô học sinh. Theo quy định, trường học không được xây quá 3 tầng, nên nếu được điều chỉnh thiết kế dãy nhà hiệu bộ, thì các phòng ban chức năng của trường sẽ bố trí ở tầng 3 - 4, dành các phòng ở tầng 1 - 2 cho học sinh”, cô Nguyễn Thị Quyên cho biết.

Phương án trên cũng được phường Lê Lợi tiếp nhận và làm tờ trình lên UBND TP Vinh. Ông Lê Văn Long - Chủ tịch UBND phường Lê Lợi nói thêm: Trước đây tiểu học và THCS Lê Lợi là một trường, sau đó mới tách ra. Vì thế quy hoạch và xây dựng phải tính toán kỹ lưỡng. Công trình trường học mới được thi công theo hình thức cuốn chiếu, tính toán phù hợp để vừa giải phóng mặt bằng, xây mới vừa tổ chức dạy học bình thường. Phụ huynh đều mong muốn con em được học cơ sở vật chất mới, nhưng trong thời gian xây dựng chưa thể đồng bộ ngay, khó tránh khỏi tình trạng trong cùng một trường có phòng cũ, phòng mới.

So với địa bàn bàn TP Vinh, Trường Tiểu học Lê Lợi năm học này đã “thuận lợi” hơn khi có đủ phòng học. Còn theo thống kê của phòng GD&ĐT thành phố, vẫn còn hơn 10 trường khác đang thiếu phòng học, phải học đuổi hoặc mượn cơ sở vật chất ở địa điểm khác.

Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (phường Quán Bàu) mới được đầu tư xây dựng thêm 11 phòng học nhưng vẫn thiếu 7 phòng học và 5 phòng chức năng. Theo cô Hiệu trưởng Trần Thị Nga, sau khi sắp xếp đủ phòng học cho khối 1, 2, 3, 5 thì chỉ còn 1 phòng học dành cho 8 lớp 4 nên phải học đuổi. Cụ thể, phòng học này sẽ được luân phiên cho mỗi lớp 4 được học cố định 1 tháng.

Còn lại, các khối khác phải nghỉ 1 ngày trong tuần để nhường phòng cho khối 4 và học bù vào thứ 7. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi thông tin thêm, năm nay trường có hơn 1.800 học sinh nhưng đến năm 2024, dự báo tăng lên hơn 2.000. Tình trạng học đuổi còn kéo dài nếu không đủ phòng học.

Bà Ngô Thị Nguyệt – Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh cũng xác nhận tình trạng nhiều cơ sở giáo dục thiếu phòng học. Báo cáo về cơ sở vật chất trường học của TP Vinh cũng chỉ ra một số trường chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định trường đạt chuẩn quốc gia. Tình trạng quá tải về sĩ số/lớp, về số lớp/trường, thiếu phòng học, phòng chức năng diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục.

Trước thực tế này, TP Vinh đang tập trung triển khai Đề án xây dựng mạng lưới cơ sở vật chất trường lớp gắn với trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đảm bảo phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển. Dự kiến trong năm 2022, thành phố khởi công xây mới 179 phòng học văn hóa và bộ môn, phòng học thuộc khối hỗ trợ, phụ trợ tại 19 trường với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng.

Trường Tiểu học Trường Thi (phường Trường Thi) nhiều năm nay phải mượn phòng học của trường THCS trên địa bàn. Cô Lê Thị Hồng Lam - Hiệu trưởng cho hay, trường chỉ có 25 phòng, trong khi quy mô học sinh ngày càng tăng, năm học này có hơn 40 lớp. Cũng do thiếu phòng học nên trường chưa thể tổ chức bán trú cho học sinh. Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục trải nghiệm, ngoại khóa tập trung học sinh toàn trường cũng khó khăn do không đảm bảo diện tích sân chơi, bãi tập. Từ năm 2016, dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Trường Tiểu học Trường Thi được UBND TP Vinh phê duyệt. Nhưng đến nay trường mới vẫn trong quá trình xây dựng, giáo viên, học sinh còn vất vả trong một vài năm tới.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện