Tổ chức kỳ thi riêng, giảm phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh đang trở thành xu hướng chính trong thời gian tới. Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) năm 2023 sẽ được tổ chức 8 đợt với khoảng gần 100.000 lượt thí sinh tham gia, từ ngày 10/3-4/6. Bài thi gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án.
Phần 1 và phần 3 sẽ có thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 trong 3 đợt: đợt 1 vào tháng 3, đợt 2 vào tháng 5 tổ chức tại Hà Nội, đợt 3 vào tháng 7 tại một số địa điểm tại ngoại tỉnh như Nghệ An, Thái Nguyên, Hải Phòng...
Năm 2023, lần đầu tiên bài thi đánh giá tư duy được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính trong thời gian 1 buổi. Cấu trúc và nội dung bài thi được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ hơn, với nội dung đánh giá tư duy Toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy giải quyết vấn đề.
Nội dung đề thi chủ yếu dùng kiến thức của lớp 12. |
Trong đó, phần thi tư duy Toán học bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm đánh giá sự phát triển năng lực và tư duy Toán của học sinh thông qua chương trình Toán học lớp 11, lớp 12 tại trường THPT và một phần nhỏ kiến thức số học.
Phần thi tư duy đọc hiểu liên quan tới những chủ đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.
Phần thi tư duy khoa học là các câu hỏi trắc nghiệm nhằm đo lường khả năng: tính, giải thích được dữ liệu; chỉ ra được phương án phù hợp với thông tin khoa học; thiết lập và thực hiện được các mô hình đánh giá, suy luận và kết quả thử nghiệm.
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt theo 2 đợt tháng 4 và tháng 6. Nội dung kiến thức kiểm tra sẽ được giữ ổn định như năm 2022. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với 8 bài thi độc lập gồm các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý. Thí sinh lựa chọn dự thi phù hợp với năng lực và tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu tuyển sinh của trường có nhu cầu lấy kết quả kỳ thi này.
Bài kiểm tra đánh giá năng lực TestAS của trường Đại học Việt Đức sẽ được tổ chức vào ngày 20 - 21/5. Bài thi TestAS hoàn toàn bằng tiếng Anh, thí sinh không được sử dụng máy tính cầm tay..
Tới thời điểm này có khoảng 8 đơn vị, các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng và chưa có trường nào thuộc ngoài công lập. Là kỳ thi không bắt buộc, nhưng trước những thay đổi trong tuyển sinh đại học vài năm nay, cộng thêm việc ngày càng có nhiều trường đại học top trên dành chỉ tiêu khá lớn cho phương thức này, số lượng thí sinh tìm kiếm thêm cơ hội trúng tuyển bằng kỳ thi riêng, nhất là kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng đông.
Đi cùng với đó những hệ lụy bắt đầu nảy sinh khi trước mỗi kỳ thi khi có việc thí sinh đổ xô đến các “lò luyện” để ôn theo các bộ đề giả định đề thi đánh giá năng lực. Điều này nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tình trạng học lệch và tốn kém tiền bạc.
TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nêu quan điểm, cần có cơ chế giám sát, thẩm định các cơ sở giáo dục đại học có đủ điều kiện, năng lực tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh hay không; tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” dẫn đến hệ lụy không đáng có (học sinh trở thành “chuột bạch” của các kỳ thi này hoặc gây phiền hà, tốn kém cho học sinh, phụ huynh).
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin, kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến sẽ tổ chức vào nửa đầu tháng 7. Đề thi sẽ vẫn giữ ổn định như năm ngoái với các câu hỏi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu nội dung, kiến thức ở lớp 12.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin