Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại diễn đàn Quốc hội |
Đổi mới cách đánh giá
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến. Trong đó, cử tri kiến nghị ngành giáo dục cần đi vào thực chất, chống hình thức, chấm dứt tình trạng “bệnh thành tích”, chạy trường, chạy lớp, chạy học bạ làm giảm chất lượng giáo dục.
Trả lời kiến nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước nâng cao chất lượng, khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục; tổ chức các phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả; đồng thời tinh giản các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh phổ thông; qua đó chất lượng giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo đã có những chuyển biến tích cực.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường hướng vào việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực; đổi mới cách đánh giá; thực hiện chuyển đổi số để công khai, minh bạch trong đánh giá kết quả học tập, thi cử, quản lý dữ liệu ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục và đào tạo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục.
Sổ tay “Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn”
Cử tri TPHCM cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT và các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, nhà trường cần có những giải pháp, biện pháp xử lý đối với vấn nạn bạo lực học đường, tránh những rủi ro gây ra hậu quả nặng nề cho học sinh, gia đình và cộng đồng.
Đồng thời, các chương trình giáo dục cần tăng cường các chuyên đề về kỹ năng thực hành xã hội, giáo dục tình yêu thương con người, quý trọng sức khỏe, sinh mạng…
Trả lời kiến nghị cử cử tri, Bộ GD&ĐT cho biết, để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, Bộ đã và đang tiếp tục quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có kiểm tra và đánh giá các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Bộ này cũng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”, Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” ; đồng thời ban hành các Thông tư, chương trình, kế hoạch theo từng giai đoạn, từng năm để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong toàn ngành giáo dục
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, đã xây dựng “Cẩm nang pháp luật và kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục” dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông; Sổ tay an ninh trật tự, an toàn trường học; Tài liệu hướng dẫn xử lý tình huống mâu thuẫn trong học sinh phổ thông và nhiều tài liệu hướng dẫn khác.
“Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng Sổ tay “Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh”, Tài liệu Tuyên truyền cho gia đình học sinh về ứng xử văn hóa, hướng dẫn công tác phối hợp, chia sẻ thông tin về phòng ngừa bạo lực học đường, Sổ tay hướng dẫn tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, Sổ tay thực hành công tác xã hội trường học…
Xây dựng trường học dân chủ, an toàn
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh đến giải pháp phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương, UBND các tỉnh/thành phố và chỉ đạo các sở GDĐT phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức ở địa phương trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, bảo đảm các giá trị cốt lõi: nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình. Phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh...
Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà giáo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin