Sáng 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Cứ xoay vào quy trình rồi sửa thì không giải quyết được bản chất vấn đề
Một trong những nội dung đáng chú ý được Ủy ban Kinh tế chỉ ra trong báo cáo thẩm tra, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, là năm 2024, dư luận xã hội dậy sóng với trường hợp “học giả, bằng thật” ở cấp đào tạo trình độ cao nhất. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề cập đến trường hợp ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) bảo vệ luận án và được cấp bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội sau khoảng hơn 2 năm từ khi tốt nghiệp Cử nhân luật hệ vừa học, vừa làm.
Sau đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản xác nhận: "Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD-ĐT TPHCM và không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD-ĐT TPHCM".
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: QH |
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá tình hình chung của giáo dục tốt nhưng quản lý chất lượng giáo dục cần tiếp tục chú ý khi đã có những sự việc, trường hợp cụ thể xảy ra thời gian qua.
Theo ông Vinh, khi nhìn nhận đánh giá lại cũng phải xem xét xem chúng ta đã quản lý chất lượng giáo dục tốt chưa.
“Chúng tôi thấy khi một sự việc xảy ra chúng ta chú ý nhiều hơn việc phân tích, đánh giá xem quản lý có đúng quy trình không. Nhưng một việc rất quan trọng là khi chất lượng không đảm bảo tại sao chúng ta không đi thẳng vào vấn đề chất lượng của luận án, công trình đó có thực sự tốt hay không”, ông Vinh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng, nếu cứ xoay vào quy trình rồi sửa một số quy định sẽ không giải quyết được bản chất vấn đề. Có những việc hoàn toàn đúng quy định nhưng người thực thi quy định đó chưa nghiêm.
“Việc này tuy không phải phổ cập trong ngành giáo dục nhưng có hiện tượng. Chúng tôi đã tiến hành tọa đàm, trao đổi với ngành giáo dục và nghĩ rằng ngành sẽ sớm chấn chỉnh được việc này”, ông Vinh nhấn mạnh.
Bệnh cũ nhưng cần phương pháp điều trị mới
Cùng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, văn hóa, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải ghi nhận lĩnh vực này có nhiều chuyển biến tích cực, các kỳ thi đạt kết quả tốt và an toàn. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở một tỉnh có sự việc, sau đó cũng có xử lý và cán bộ được xử lý nghiêm minh.
Theo bà Hải, vấn đề người dân hết sức quan tâm và cũng ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình là vấn đề lạm thu đầu năm học. Đây là hiện tượng không mới, chính phủ, quốc hội, các địa phương đã giám sát rất tích cực, nhưng trên thực tế vẫn có.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: QH |
“Con em đang đi học, hoặc các đồng chí đang có con em đi học chắc chắn vẫn còn hiện tượng này. Dù đây là vấn đề không có gì mới nhưng cần biện pháp xử lý, bệnh cũ nhưng cần phương pháp điều trị mới. Tôi cho rằng báo cáo Chính phủ nên nêu biện pháp đã làm được, cái gì chưa làm được, ra Quốc hội các đại biểu cũng trao đổi, hỏi về vấn đề này. Vì vậy, cần có biện pháp làm mới hơn nữa”, bà Hải nói.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề cập đến vấn đề sách giáo khoa. Sau cải cách có nhiều bộ sách, mỗi trường sử dụng bộ sách giáo khoa khác nhau.
“Việc này tốt đang được ủng hộ, nhưng khi học sinh chuyển trường phải mua mới, giá khoảng 300.000 đồng, là khoản tiền lớn so với các hộ vùng sâu vùng xa. Vì vậy cần có tủ sách thư viện để các cháu có chuyển trường cũng được mượn sách ở thư viện. Hoặc trong tình huống bão lũ, trẻ em vùng xuôi có thể thông qua thư viện để ủng hộ sách cho trẻ em vùng lũ. Mỗi nơi nên có thư viện để cho mượn sách”, Trưởng Ban Công tác đại biểu gợi mở.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin