Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được ngành giáo dục triển khai năm thứ tư ở cấp trung học cơ sở và năm học 2024-2025 này là năm cuối cùng trong lộ trình cuốn chiếu. So với các lớp học sau, các em học sinh lớp 9 năm nay chịu khá nhiều thiệt thòi vì các em là khóa đầu tiên, xuyên suốt trong lộ trình cuốn chiếu.
Thời điểm bắt đầu triển khai chương trình mới ở cấp Trung học cơ sở đang là lúc cao điểm của dịch bệnh Covid-19 nên gần như tất cả học sinh lớp 6 lúc bấy giờ phải học trực tuyến, nhiều bài học phải bắt buộc giảm tải. Thời gian mỗi tiết học cũng bị giảm bớt nhằm chỉ trang bị những kiến thức cốt lõi nhất.
Năm nay là năm cuối cùng của lộ trình cuốn chiếu ở cấp trung học cơ sở nên học sinh lớp 9 cũng là khóa đầu tiên tham gia thi học sinh giỏi văn hóa; thi tuyển sinh 10 chương trình mới và đương nhiên cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các khóa trước học chương trình 2006 và các khóa sau này của chương trình 2108.
Ảnh minh họa. |
Thực ra, cái gì đầu tiên cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định nhưng thông thường những khó khăn có phần nhiều hơn những thuận lợi. Đặc biệt, khi ngành giáo dục thực hiện thay đổi chương trình 2006 sang chương trình 2018 có nhiều thay đổi kể cả chương trình và phương pháp giảng dạy, học tập.
Thứ nhất: khác với chương trình 2006, các môn học độc lập nên mỗi môn học có 1 thầy cô giảng dạy và học sinh được học tập liên tục, xuyên suốt. Nhưng, chương trình 2018 có một số môn học tích hợp, những môn học tích hợp lại có ít nhất từ 2 giáo viên cùng giảng dạy.
Cụ thể: môn Nghệ thuật có 2 giáo viên; môn Lịch sử và Địa lí có 2 giáo viên; môn Khoa học tự nhiên có 3 giáo viên; môn Nội dung giáo dục địa phương có 6 giáo viên đảm nhận ở các thời điểm khác nhau.
Nếu như những khóa học sau này đã dần đi vào ổn định thì những em học sinh lớp 9 năm nay là học sinh lớp 6, 7 của 2 năm đầu tiên dạy chương trình 2018 gặp khó khăn khi học 2 môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí vì các phân môn không được học xuyên suốt mà bố trí dạy theo mạch kiến thức và chủ đề theo từng thời điểm khác nhau.
Trước những bất cập và phản ánh từ cơ sở, ngày 10/10/2023, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí gợi ý cho phép các phân môn dạy song song. Kiến thức phân môn nào, giáo viên môn đó dạy, giáo viên đó kiểm tra.
Vì thế, mãi giữa học kỳ I của lớp 8 thì các em học sinh lớp 9 năm nay mới được học song song các phân môn đối với 2 môn tích hợp.
Thứ hai: các em học sinh lớp 9 năm nay liên tục có 4 năm là lớp thực hiện đầu tiên chương trình 2018 trong lộ trình cuốn chiếu nên các thầy cô giảng dạy năm đầu tiên cũng chưa được tốt nhất. Thực tế, mỗi môn học, thầy cô được bồi dưỡng online 1 ngày nên không phải cái gì cũng nắm bắt hết, thầy cô cũng vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm.
Chọn đội tuyển học sinh giỏi môn tích hợp, nhiều trường vẫn "án binh bất động"
Chọn đội tuyển học sinh giỏi môn tích hợp, nhiều trường vẫn "án binh bất động"
Vì vậy, thầy cô cũng giống như học trò, vừa dạy vừa phải học nên mọi thứ cả thầy và trò cùng bỡ ngỡ. Tất nhiên, hiệu quả của các tiết dạy ở những năm đầu tiên sẽ khó có thể đạt được hiệu quả như những năm học sau này.
Thứ ba: vì học sinh lớp 9 năm nay là lớp đầu tiên thực hiện chương trình mới nên có những môn học phải học chay vì không có sách giáo khoa.
Cụ thể là môn Nội dung giáo dục địa phương của phần lớn các địa phương đều xuất bản chậm nên nhiều địa phương phải sang học kỳ II mới có sách. Vì vậy, học kỳ I chủ yếu thầy cô dạy trên file PDF và các bài giảng chủ yếu là xin lại từ các tiết dạy thực nghiệm rồi giáo viên truyền cho nhau sử dụng.
Học sinh học tập không có sách giáo khoa, file PDF mà giáo viên chuyển qua thì em đọc, em không. Chủ yếu là học sinh chỉ lĩnh hội kiến thức cơ bản qua file trình chiếu mà thầy cô giảng dạy chứ không có điều kiện nghiên cứu kĩ kiến thức các bài học.
Thứ tư: chương trình 2006 chủ yếu là truyền thụ kiến thức và nội dung học tập, kiểm tra chủ yếu là trong sách giáo khoa. Nhưng, chương trình 2018 mục tiêu là phát triển phẩm chất năng lực. Vì thế, giờ đây thầy cô chỉ còn đóng vai trò gợi mở, định hướng nội dung học tập. Vậy nên, học sinh ngoài chuyện siêng năng còn phải tư duy, sáng tạo trong học tập, thi cử mới hi vọng đạt điểm cao.
Cụ thể, môn Ngữ văn khi thực hiện theo Công văn 3175 thì ngữ liệu trong sách giáo khoa đang học sẽ không được lấy làm ngữ liệu cho kiểm tra định kỳ, cuối cấp nên học sinh phải đầu tư thêm rất nhiều thời gian và có kĩ năng làm bài tốt, có kiến thức rộng mới có thể làm bài thi tốt.
Những năm học sau, nguồn tài liệu sẽ phong phú hơn, riêng những năm đầu tiên thực hiện không chỉ học sinh mà thầy cô cũng gặp khó khăn. Vì thế, học sinh phải đầu tư rất nhiều cho các bài học, ôn tập khi kiểm tra cuối kỳ.
Thứ năm: các em học sinh lớp 9 năm nay sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh 10 đầu tiên của chương trình mới. Tuy nhiên, ngày 18/10/2024 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông và đến nay chưa biết môn thứ 3 sẽ được thực hiện ra sao đối với kỳ thi tuyển sinh 10 vào dịp cuối năm học tới đây.
Trong tư thế phòng thủ, học sinh có dự kiến tham dự kỳ thi tuyển sinh 10 tới đây, ngoài môn Ngữ văn và Toán đã được Bộ ấn định, những môn học đánh giá bằng điểm số còn lại đều có thể trở thành môn thi thứ tuyển sinh 10.
Vì vậy, nhiều học sinh bây giờ đang tích cực đi học thêm để trang bị kiến thức nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh 10.
Những học sinh có ý định thi vào các lớp chuyên của trường trung học phổ thông chuyên có liên quan đến 2 môn tích hợp còn vất vả hơn rất nhiều vì đa phần các địa phương chưa ban hành kế hoạch tuyển sinh 10 ở thời điểm này.
Thực ra, kỳ thi tuyển sinh 10 tới đây không chỉ học sinh gặp khó khăn mà ngay cả thầy cô cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Đặc biệt là môn Ngữ văn khi ngữ liệu không nằm trong sách giáo khoa sẽ rất khó đoán định chỗ nào là trọng tâm để ôn thi cho học trò.
Một số sở giáo dục và đào tạo định hướng nội dung thi chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 9 và lớp 8 nhưng môn Ngữ văn của 2 lớp này có tới 280 tiết học với vô vàn thể loại, chủ đề và nội dung kiến thức khác nhau. Trong khi, thời gian ôn tập chỉ vài chục tiết ở trường.
Là một giáo viên trung học cơ sở và cũng được phân công dạy xuyên suốt 4 năm đầu tiên của chương trình 2018 theo học sinh lớp 9 năm nay, bản thân người viết bài cảm nhận rất rõ những thiệt thòi của các em học sinh trong những năm học vừa qua.
Cũng may, sang năm vào lớp 10, các em sẽ là những lớp học sinh học chương trình 2018 ở năm thứ tư nên mọi thứ đã được ổn định. Những khó khăn ở cấp trung học cơ sở sẽ không còn nữa vì thầy cô cấp trung học phổ thông đã có nhiều năm dạy chương trình 2018.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin