Cách giúp trẻ vị thành niên phân biệt tin tức giả trên mạng
Trẻ vị thành niên am hiểu công nghệ kỹ thuật số, nhưng lại không có kiến thức để phân biệt tin thật, tin giả. Khi không hiểu hết tác động của phương tiện truyền thông hoặc các thông điệp, trẻ có thể chịu một số tổn thương sau đây.
Trẻ không hài lòng về cơ thể mình. Các nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên thiếu kiến thức truyền thông cơ bản có xu hướng không hài lòng về cơ thể mình sau khi xem hình ảnh về người nổi tiếng. Các em không nhận ra những bức ảnh đó được photoshop để xây dựng hình ảnh hoàn mỹ cho người nổi tiếng.
Thanh thiếu niên thường không nhận ra tin tức về sản phẩm mình mua là tin tiếp thị để thúc đẩy khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ.
Trẻ cũng có thể gặp vấn đề sức khỏe, bởi các nhà tiếp thị thường sử dụng thủ thuật để thu hút khách hàng thực hiện hành vi không lành mạnh, nhưng coi đó là việc làm tốt. Ví dụ đồ ăn vặt có thể được quảng cáo là "đem lại niềm vui", uống bia rượu được miêu tả là "mát mẻ".
Điều quan trọng là phụ huynh cần dành thời gian nói chuyện với con về tin tức và cách vận động của truyền thông. Nghiên cứu cho thấy trẻ em được dạy các kỹ năng nhận định truyền thông cơ bản sẽ tránh được tác động có hại nhiều hơn trẻ không được hướng dẫn.
Để dạy con đánh giá thông tin một cách hiệu quả, phụ huynh có thể áp dụng bảy phương pháp sau ngay từ khi con bạn còn nhỏ.
1. Khuyến khích tư duy phê phán
Phụ huynh hãy khuyến khích con đặt câu hỏi về nội dung tin tức mà chúng đọc. Hãy yêu cầu con luôn xem xét ai là người sáng tác nội dung và tự hỏi tại sao người đó lại viết thông tin này.
2. Thảo luận về cách thức quảng cáo
Cha mẹ nên nói với con về chiến thuật các thương hiệu thường sử dụng để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm. Ví dụ, các thông điệp thường xuất hiện như hứa hẹn sản phẩm giúp khách hàng trở nên đẹp hơn hoặc được nhiều người biết đến.
3. Thảo luận về động cơ trong việc sáng tạo nội dung
Bạn nên chia sẻ với con về động cơ của người sáng tạo nội dung. Ví dụ, nhiều người nổi tiếng có thể được trả tiền khi có người đọc bài viết quảng cáo sản phẩm của họ. Hoặc những tiêu đề giật gân, gây tò mò có thể là mồi nhử để tăng lượt xem, nhưng nội dung bên trong không đảm bảo chất lượng.
4. Dạy con cách kiểm tra thông tin
Phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ kiểm tra mục "Giới thiệu về chúng tôi" trên mỗi trang web con đọc để tìm hiểu về người sản xuất nội dung. Ngoài ra, dạy trẻ cách đánh giá một bức hình. Một bức ảnh được ghép nối với một bài báo không có nghĩa là ảnh chụp tại sự kiện đang được thảo luận trong câu chuyện.
5. So sánh các nguồn thông tin
Phụ huynh hãy dạy trẻ so sánh các nguồn thông tin trước khi tin vào một tin tức bất kỳ. Hướng dẫn trẻ tìm thông tin trên nhiều trang báo, nhiều nguồn hoặc tìm nguồn gốc của thông tin.
6. Nắm bắt những trang cung cấp thông tin của trẻ
Bạn nên biết những trang mạng xã hội con sử dụng và theo dõi hoạt động trực tuyến của con. Ngoài ra, hãy chú ý đến những bộ phim con bạn đang xem và những bài hát chúng thích. Càng biết nhiều về những gì trẻ tiếp nhận, bạn sẽ được trang bị kiến thức tốt hơn để thảo luận cùng con về truyền thông.
7. Cùng con xem các trang web
Hãy cùng con xem xét các trang web tin tức phổ biến và hướng dẫn con cách phân biệt giữa tin tức và nội dung được tài trợ. Sau đó, cha mẹ hãy cùng con thảo luận về những thông điệp thu nhận được.
Theo VNE
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin