Từ 01/01/2020, lương giáo viên sẽ được trả theo vị trí việc làm
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức và hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức tại phiên họp tháng 8 trong đó có nội dung quan trọng đối với công chức, viên chức trong đó có giáo viên về việc dự kiến trả lương theo vị trí việc làm kể từ ngày 01/01/2020 và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Dự thảo luật đang được lấy ý kiến gồm 3 điều. Trong đó, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 18 điều, khoản của Luật Cán bộ, công chức; Điều 2 sửa đổi, bổ sung 11 điều, khoản của Luật Viên chức và Điều 3 hiệu lực thi hành.
Nội dung dự thảo Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng theo đúng tiến độ tại Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 6/6/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Một số thay đổi đối với Luật viên chức
Dự thảo quy định cụ thể ở Điều 2 sửa đổi, bổ sung 11 điều, khoản của Luật Viên chức, tôi xin trích lược thay đổi ở một số điều sau:
a. Sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 7 về vị trí việc làm trong đó xác định rõ vị trí việc làm là căn cứ để xác định biên chế, tuyển dụng, sử dụng và trả lương đối với viên chức thực hiện theo Nghị quyết 27/NQ – TW về việc trả lương theo vị trí việc làm.
b. Sửa đổi khoản 3 Điều 9 giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập đối với từng lĩnh vực sự nghiệp; chế độ quản lý đối với từng đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý, năng lực quản trị tiên tiến.
e. Bổ sung khoản 5 vào điều 52 xử lý kỷ luật viên chức nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong quá trình công tác, bảo đảm tương thích với kỷ luật đảng nhằm mục đích xử lý nghiêm người có sai phạm.
g. Sửa đổi bổ sung ở Điều 53 về thời hiệu, thời hạn kỷ luật theo hướng kéo dài thời hiệu, thời hạn nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn.
h. Bổ sung, sửa đổi khoản 2,3 điều 56 về quy định liên quan đến viên chức bị kỷ luật, theo đó quy định viên chức bị kỷ luật sẽ không được bổ nhiệm chức vụ cao hơn (xem xét bổ nhiệm lại hoặc bố trí vị trí thấp hơn); viên chức trong thời gian bị điều tra, truy tố xét xử thì vẫn có thể giải quyết nghỉ hưu, ngoài ra quy định viên chức đã nghỉ hưu thì vẫn bị xem xét kỷ luật hoặc truy tố theo quy định của pháp luật.
Dự kiến, Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Cụ thể:
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức: hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tháng 9/2018; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2018), thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019);
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức: hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Quý I/2019; trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Theo Báo Giáo dục