Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tuyển sinh 2020: Nhiều ngành và phương thức tuyển mới

08:22, 26/12/2019
Nhiều trường đại học đã đưa ra phương án tuyển sinh năm 2020. Trong đó, có nhiều ngành mới, bổ sung các phương thức tuyển sinh mới, giảm mạnh chỉ tiêu cho phương thức truyền thống dựa vào kỳ thi THPT quốc gia.

Ngành mới: hướng tới cách mạng 4.0

Tìm hiểu của phóng viên, những ngành mới được các trường ĐH ưu tiên mở trong năm 2020 này là những ngành hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu vào hệ đại học chính quy, mở thêm 17 ngành học mới. Trong đó, có nhiều ngành học liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như giải quyết các vấn đề nóng của xã hội hiện nay như: Khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học; Khoa học và công nghệ thực phẩm, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường...

PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, trường đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh 2020. Phương thức tuyển sinh cơ bản giữ ổn định như năm 2019 với hai lựa chọn: xét tuyển học bạ (khoảng 5-10% chỉ tiêu) và xét kết quả thi THPT quốc gia. PGS Nguyễn Thanh Chương thông tin  thêm, năm 2020, Trường ĐH Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới: Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc. Sở dĩ trường mở thêm 3 ngành này vì đây đều là thế mạnh của trường (về giao thông vận tải). Những ngành công nghệ hướng tới cuộc cách mạng 4.0 Việt Nam sẽ cần trong một tương lai xa, nhưng trước mắt, những ngành như quản trị du lịch, Logistis sẽ cần nhiều nhân lực nên trường tập trung vào đào tạo những ngành này.

Nhiều ngành mới xuất hiện trong mùa tuyển sinh 2020. Ảnh minh họa - Nguồn: internet
Nhiều ngành mới xuất hiện trong mùa tuyển sinh 2020. Ảnh minh họa - Nguồn: internet

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm 2020 tuyển sinh mới 5 ngành, gồm: Marketing - Truyền thông; Quản trị khách sạn; Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Sinh học ứng dụng.

Trường sẽ lấy 50% tổng chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả thi THPT 2020; 50% chi tiêu cho phương thức sử dụng điểm học bạ THPT, lượng phân bổ chỉ tiêu có thể thay đổi dựa theo số lượng thí sinh đăng ký nhập học bằng hai hình thức trên.

Trong khi một số ngành công nghệ hướng tới cuộc cách mạng 4.0 đang thu hút sự quan tâm của thí sinh thì những ngành truyền thống ngày càng khó tuyển sinh. PGS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, sẽ dừng tuyển sinh ngành Công nghệ Vật liệu Dệt may và Kỹ thuật nữ công trong năm 2020 vì khó tuyển sinh. Trường sẽ đào tạo thêm ngành Hệ thống nhúng & IoT, Kiến trúc nội thất. Riêng ngành Thiết kế thời trang sẽ mở tuyển sinh thêm chương trình chất lượng cao.

GS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên  cho biết, giải pháp trước mắt mà trường đang thực hiện là đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo, đáp ứng thị trường lao động; tái cơ cấu ngành nghề đào tạo, tập trung xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn có thế mạnh của ĐH  Thái Nguyên. Trong 2 năm qua, ĐH Thái Nguyên đã chủ động ngừng tuyển sinh 21 ngành đào tạo và mở mới 12 ngành đào tạo cử nhân và thạc sĩ.

Ða dạng phương thức xét tuyển

Điểm chung dễ nhìn thấy trong đề án tuyển sinh một số trường ĐH là tăng cường thêm phương thức tuyển sinh mới bên cạnh phương thức truyền thống. Đồng thời điều chỉnh theo hướng giảm chỉ tiêu xét điểm kỳ thi chung.

ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2020, các trường ĐH, khoa thành viên xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia, xét tuyển kết hợp kết quả thi 2 môn thi THPT quốc gia và chứng chỉ tiếng Anh  IELTS từ 5.5 trở lên; sử dụng phương thức xét tuyển SAT, A-Level.

Trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM, cho biết năm 2020, trường tiếp tục tăng chỉ tiêu xét điểm bài thi năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức theo đúng lộ trình, từ 30% năm 2019 lên tối đa 40% (trước đó năm 2018 tuyển 20%). Sau khi trừ chỉ tiêu xét tuyển thẳng tối đa 20% thì chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia  còn khoảng 40%. Như vậy, tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 của Trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM  sẽ giảm 10% so với năm 2019.

Năm 2020, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét điểm thi THPT quốc gia xuống còn khoảng 40%. Đồng thời, tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TPHCM lên 40%. Như vậy, với tổng chỉ tiêu dự kiến 3.500, trường ĐH này chỉ có khoảng 1.400 chỉ tiêu cho xét điểm kỳ thi THPT quốc gia trong năm tới.

Trường ĐH Bách khoa TPHCM dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển năng lực từ 20 đến 50% tổng chỉ tiêu trong năm 2020. Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh vài năm gần đây cho thấy nguồn thí sinh trúng tuyển chính vào Trường ĐH Bách khoa TPHCM vẫn từ phương thức xét điểm kỳ thi THPT quốc gia. Chẳng hạn, năm 2019 trường dành 50-72% tổng chỉ tiêu lựa chọn bằng phương thức này nhưng thí sinh trúng tuyển thực tế vẫn trên 70%. Điều này do đặc thù đào tạo ngành kỹ thuật, nhiều thí sinh đến từ các địa phương mà vẫn quan tâm nhiều tới kỳ thi chung.

2020 có thể xem là năm cuối cùng thực hiện thi THPT quốc gia. Vì từ năm 2021, khi Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực, kỳ thi THPT quốc gia sẽ có nhiều thay đổi. Bộ GD&ĐT đang xây dựng phương án đổi mới thi sau 2020.

Phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau năm 2020 mà Bộ GD&ĐT đề xuất như sau: Học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT thì được hiệu trưởng trường THPT (hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia kỳ thi THPT quốc gia.

 

Theo Tiền phong

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm