Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

An toàn bức xạ ở các cơ sở y tế Nghệ An

18:26, 13/09/2010
Ở Nghệ An, tính đến nay đã có hơn 80 cơ sở y tế có thiết bị sử dụng năng lượng bức xạ hạt nhân phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở thực hiện tốt các quy định về an toàn bức xạ thì còn không ít cơ sở chấp hành chưa nghiêm túc. Chính vì vậy, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn bức xạ hạt nhân là hoạt động rất quan

 

Trong lĩnh vực y tế, bức xạ hạt nhân được ứng dụng trong các thiết bị chiếu xạ và xạ trị để chẩn đoán và điều trị bệnh ngoài da; tuyến giáp; tìm các khối u bất thường trong não; chẩn đoán các chức năng và bệnh lý các cơ quan nội tạng của cơ thể như thận, gan, phổi, hệ tiêu hóa. Ngoài ra, việc sử dụng các nguồn phóng xạ còn nhằm để khử trùng các vật phẩm y tế, thanh trùng hàng thực phẩm và thuốc đông nam dược thành phẩm.

 

 

Bức xạ y tế - công nghệ hiện đại nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ

 

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nếu không làm tốt công tác kiểm soát, bảo đảm an toàn. Bởi nguồn phóng xạ phát bức xạ ion hóa - một loại bức xạ không màu, không mùi, không vị nhưng có thuộc tính cơ bản là đâm xuyên và ion hóa vật chất. Đây là tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho con người.

 

Sau khi bị chiếu xạ ở mức liều cao, các tổn thương trên cơ thể người sẽ phát triển theo thời gian, theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào liều bức xạ. Liều thấp không gây ra các tổn thương và các hiệu ứng có thể quan sát được. Liều cao sẽ gây ra các hiệu ứng cấp, ảnh hưởng đến hệ mạch máu, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh trung ương, bao gồm các triệu chứng như: buồn nôn, ói mửa, mệt mỏi, sốt, thay đổi về máu và những thay đổi khác. Đối với da, liều chiếu cao của tia X gây ra ban đỏ, rụng tóc, bỏng, hoại tử, loét. Đối với tuyến sinh dục gây vô sinh tạm thời... Các hiệu ứng muộn sẽ là bệnh máu trắng, ung thư xương, phổi, đục thủy tinh thể, giảm thọ, rối loạn di truyền... Chính vì vậy, việc kiểm soát và định hướng các cơ sở có thiết bị sử dụng năng lượng bức xạ hạt nhân đảm bảo an toàn, chấp hành đúng các quy định pháp luật về an toàn bức xạ của Nhà nước là việc làm rất cần thiết và quan trọng.

 

Tại Nghệ An, việc ứng dụng năng lượng bức xạ hạt nhân trong các cơ sở y tế chủ yếu phục vụ công việc chẩn đoán và điều trị bệnh như chụp X-quang, chụp Citi-Scaner và tán sỏi ngoài cơ thể với tổng số hơn 80 cơ sở lớn, nhỏ bao gồm cả công lập và tư nhân. Đội ngũ nhân viên chiếu chụp mỗi cơ sở trung bình có từ 2 đến 3 người. Mặc dù các hoạt động liên quan đến bức xạ ở các cơ sở y tế đã được tiến hành từ hàng chục năm nay nhưng do an toàn bức xạ hạt nhân là lĩnh vực mới nên chỉ đến năm 2008, Nhà nước mới ban hành Luật năng lượng nguyên tử và sau đó mới có các văn bản hướng dẫn dưới luật một cách đầy đủ. Chính vì vậy, công tác thanh tra an toàn bức xạ tuy mới chỉ thực sự được quan tâm trong vài năm trở lại đây nhưng đã được duy trì thường xuyên và liên tục hàng năm để kiểm soát, đảm bảo các cơ sở y tế của tỉnh sử dụng năng lượng nguyên tử một cách hiệu quả và an toàn.

 

Theo quy định, các cơ sở y tế có thiết bị sử dụng năng lượng bức xạ hạt nhân phải có giấy phép, nhân viên phải được đào tạo về an toàn bức xạ, được trang bị liều kế cá nhân và đo liều kế định kỳ 3 tháng một lần, thiết bị chiếu chụp đảm bảo chất lượng và được kiểm tra định kỳ 1 năm một lần, phòng chụp đúng kích thước, có bảng, đèn cảnh báo và đảm bảo che chắn không để lọt tia. Công tác đảm bảo an toàn bức xạ này đã được một số cơ sở y tế lớn có thiết bị sử dụng năng lượng bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện.

 

Bệnh viện Thái An là một trong những cơ sở y tế  tư nhân có quy mô khá lớn ở Nghệ An. Chính thức hoạt động từ năm 2007, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 300 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú mỗi tháng từ 3 đến 400 bệnh nhân. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, ngay từ khi đưa vào sử dụng, Thái An đã rất chú trọng đến hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế. Bệnh viện có 3 máy chụp X-quang, 1 máy City và 1 máy tán sỏi ngoài cơ thể. Hàng ngày, chiếu chụp, điều trị cho trên dưới 50 bệnh nhân. Chính vì vậy, công tác bảo đảm an toàn bức xạ được ban giám đốc bệnh viện hết sức chú trọng.

 

Tuy nhiên, qua các đợt thanh tra của Sở KH-CN, Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng vào năm 2009 và 2010 cho thấy số cơ sở y tế chấp hành nghiêm và đầy đủ việc đảm bảo an toàn bức xạ còn rất ít. Các chỉ tiêu an toàn bức xạ của phòng chiếu chụp X-quang như diện tích phòng máy, tường trát barit, cửa chắn chì, buồng điều  khiển, kính chì ô quan sát, chất lượng máy cũng như phương tiện phòng hộ cá nhân đều.. giảm dần từ tuyến tỉnh về huyện.

 

Tình trạng nhiễm xạ khu vực ngoài phòng chiếu chụp X-quang ở nhiều nơi có liều suất cao và nhiều chỗ vượt mức cho phép nhiều lần, thường là ở cửa ra vào và cửa sổ. Tại khu vực làm việc của phòng X-quang, nhiều nơi có phông bức xạ vượt mức cho phép. Khi tình trạng quá tải xảy ra, có nơi bệnh nhân còn phải ngồi chờ trong phòng máy, thậm chí một số cơ sở y tế còn gọi một lúc 2, 3 bệnh nhân vào phòng chụp. Việc ngồi chờ trong phòng chụp đồng nghĩa với một lần chụp người bệnh phải ăn tia 2 hoặc 3 lần. Đó là chưa kể đến đối với các bệnh nhân nhỏ tuổi còn phải có thêm người nhà đi kèm.

 

Có  một thực tế đang tồn tại từ nhiều năm nay là do tiền đầu tư cho một phòng chụp X-quang rất tốn kém, phải trên 100 triệu đồng, chưa kể giá cả các loại máy chụp X-quang cũng lên đến tiền tỷ, nên tại nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là các phòng khám nhỏ lẻ của tư nhân vẫn sử dụng máy đã quá cũ, nhiều máy y tế sản xuất từ những năm 70 của thế kỷ trước. Vẫn còn nhiều nơi không quan tâm trong việc trang bị cửa chắn chì, bảo vệ sức khỏe cho cả nhân viên chiếu chụp và bệnh nhân.

 

Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ quy định các cơ sở y tế có sử dụng các thiết bị bức xạ thì phải cùng các ngành, các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh các nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, không chỉ Nghệ An mà hầu hết các địa phương trong cả nước, nhân lực của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn kiểm soát bức xạ còn hạn chế. Số cán bộ chuyên trách quản lý khá mỏng và đặc biệt là còn thiếu cán bộ được đào tạo cơ bản về hạt nhân.

 

Mặt khác, qua các đợt thanh tra chuyên ngành cho thấy, hiện nay nhiều cơ sở y tế có thiết bị dử dụng năng lượng bức xạ hạt nhân đều có chung một vướng mắc  đó là việc kiểm tra định kỳ máy móc phải mời các chuyên gia về rất tốn kém, việc đọc liều kế 3 tháng một lần phải gửi liều kế ra Hà Nội. Trong thời gian này, nếu đúng quy định thì nhân viên chiếu chụp phải nghỉ việc chờ kết quả đọc liều, điều này gây nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế.

 

Bệnh viện 115, là cơ sở y tế chuyên về chấn thương, xương khớp. Để phục vụ công tác chẩn đoán chính xác, bệnh viện hiện có 5 máy X-quang, 1 máy City, 1 máy tán sỏi. Cơ sở cũng trang bị cả máy Xquang nhỏ điện quang truyền hình có thể di dời cơ động để chiếu chụp chính xác giúp nhân viên nhìn qua màn hình để nắn bó gãy xương. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn bức xạ là rất quan trọng. Đặc biệt là khi sử dụng máy điện quang truyền hình, nhân viên phải đứng cùng bệnh nhân trong phòng, chịu ăn tia cùng người bệnh. Để kiểm soát việc ăn liều, bệnh viện đã trang bị đầy đủ liều kế cho nhân viên nhưng cứ 3 tháng một lần nhân viên phải tạm nghỉ để chờ kết quả đọc liều từ Hà Nội đã gây không ít khó khăn.

 

Bên cạnh những lợi ích to lớn trong việc chẩn đoán và điều trị thì năng lượng bức xạ  cũng là “con dao hai lưỡi” bởi nếu không được đầu tư trang thiết bị đủ điều kiện an toàn và kiểm soát chặt chẽ thì đây lại là một tác hại rất nguy hiểm đối với nhân viên y tế, người bệnh và môi trường...

 

Đảm bảo an toàn bức xạ không chỉ là công việc của các cấp ngành quản lý, mà trước hết là ở các cơ sở y tế, nhận thức của nhân viên vận hành thiết bị bức xạ. Không nên quá chú trọng lợi nhuận mà để lại những hậu quả nặng nề về sức khỏe và môi trường cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

(Hoa Mơ)