Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Điều trị bằng tế bào gốc, hiệu quả cao, ứng dụng thấp

08:25, 07/09/2010
Tế bào gốc (TBG) là loại tế bào (TB) có khả năng biệt hóa thành nhiều loại TB khác, có thể thay thế những TB mất đi do tuổi già, bệnh tật… Hiện Việt Nam đã nuôi cấy thành công nhiều loại TBG lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn, niêm mạc miệng, niêm mạc má, rìa giác mạc… để chữa các bệnh lý như tim mạch, biến chứng tiểu đường, ung thư máu, bệnh lý về mắt, suy tủy
 

 

Kỹ thuật viên lưu trữ tế bào gốc màng dây rốn tại Ngân hàng tế bào gốc MekoStem.
 
 
Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân

 

Năm 1995 đánh dấu mốc đầu tiên khi các nhà y khoa của Việt Nam bắt tay nghiên cứu ứng dụng điều trị bằng phương pháp TBG trong lĩnh vực huyết học. Sang năm 2006 và năm 2007, đã có hàng loạt đề xuất nghiên cứu TBG đa dạng trên nhiều lĩnh vực y học khác nhau và đã được Bộ Y tế cho phép triển khai.

 

Mới đây nhất, Viện Tim mạch Quốc gia, lần đầu áp dụng điều trị phương pháp TBG lấy từ tủy xương cho sáu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Trước đó, các bệnh nhân này khi điều trị bằng các phương pháp cũ như can thiệp mạch vành, đặt stent…vẫn không hiệu quả. Đến nay, cả sáu bệnh nhân tuổi từ 43 đến 67 đều cho thấy kết quả tốt, cải thiện được chỉ số chức năng co bóp tim (EF) ở những mức khác nhau. TBG được đánh giá là kỹ thuật điều trị mới nhất cho những tổn thương cơ tim không thể phục hồi ở Việt Nam, mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch khác nhau như nhồi máu cơ tim cấp, bệnh động mạch vành mạn tính…

 

Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và BV Huyết học - Truyền máu TP Hồ Chí Minh, từ năm 2006 đến nay đã tiến hành ghép TBG được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn để điều trị cho hàng chục bệnh nhân bị các bệnh hiểm nghèo như: ung thư máu, ung thư hạch, thiếu máu tán tuyến di truyền, hemoglobin, suy tủy xương... Đối với các bệnh về mắt như tổn thương giác mạc hay bề mặt nhãn cầu, phương pháp TBG được đánh giá là điều trị hiệu quả nhất. Từ năm 2007 đến nay, BV Mắt Trung ương và BV Mắt TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng TBG chữa trị thành công cho 20 bệnh nhân bằng việc ghép TBG được lấy từ vùng rìa giác mạc hay niêm mạc má và giác mạc.

 

Từ năm 2003, Viện Bỏng quốc gia đã tiến hành nghiên cứu nuôi cấy TBG từ trung bì da và đã chế tạo ra tấm nguyên bào sợi để bám dính và đóng kín vết thương… Từ khi ứng dụng đến nay, mỗi năm, Viện Bỏng quốc gia tiến hành ghép nguyên bào sợi cho khoảng 150 bệnh nhân bỏng và 300 bệnh nhân có vết thương mãn tính không thể điều trị bằng các phương pháp truyền thống.

 

Cần một chính sách quốc gia

 

Chi phí ghép TBG ở Việt Nam hiện nay thấp nhất thế giới, với kỹ thuật ghép tự thân là 10.000 USD, ghép từ người khác cho là 20.000 USD. Trong khi, chi phí này ở Singapore, Thái-lan lần lượt là 30.000 USD - 50.000 USD và 60.000 USD - 80.000USD. Các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đều chi phí hơn 50.000 USD đến hơn 80.000 USD, còn tại Mỹ và châu Âu từ 80.000 USD đến 100.000 USD. Vậy đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh hiểm nghèo, giá lại thấp hơn nhiều so với thế giới, nhưng tại sao phương pháp điều trị bằng TBG tại Việt Nam chưa được phổ biến rộng rãi?

 

Ứng dụng tế TBG để điều trị các bệnh nói chung và ghép điều trị bệnh máu nói riêng đòi hỏi một quy trình chuyên môn kỹ thuật hết sức cao cấp, cần sự chuyên môn hóa cao. Thế nhưng, việc ứng dụng TBG trong y học tại Việt Nam đang diễn ra theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, tức là bệnh viện (BV) nào có điều kiện đều tiến hành nghiên cứu, ứng dụng điều trị TBG từ A đến Z. Vì vậy, chưa nhiều bệnh nhân được ghép TBG ”, PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhận định. Theo ông Trí, hiện nay việc nghiên cứu, ứng dụng TBG tại Việt Nam còn nhiều khó khăn như thiếu thốn về hóa chất, cơ sở vật chất, thiếu hành lang pháp lý, bảo hiểm chưa thanh toán chi phí cho người bệnh, tài chính hạn hẹp, ít người cần nhận TBG là nguyên nhân hạn chế các hoạt động từ nghiên cứu đến thu thập và bảo quản, ứng dụng.

 

Hiện tại, Việt Nam đã có hai cơ sở có khả năng thu thập, xử lý và bảo quản dài hạn các TBG là BV Huyết học - Truyền máu TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng TBG MekoStem (đều ở TP Hồ Chí Minh). Bước đầu, hai cơ sở này đã làm tròn nhiệm vụ là cất giữ TBG theo yêu cầu cho các đối tượng có mục đích sử dụng để cấy ghép TBG tự thân hoặc cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên, khi việc cấy ghép được thực hiện giữa người cho và người nhận không cùng huyết thống, đặc biệt nếu không cùng chủng tộc, thì cần phải có có số mẫu rất lớn (hàng chục nghìn mẫu) để sàng lọc mẫu TBG phù hợp thì hai cơ sở này vẫn chưa đáp ứng được.

 

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho rằng: “Đã đến thời điểm thích hợp cần sự điều phối của Nhà nước nhằm chấm dứt tình trạng nghiên cứu, ứng dụng TBG phát triển theo hướng tự phát. Theo tôi, cần tập trung hóa các trung tâm sản xuất TBG. Cả nước chỉ cần có khoảng 3 đến 4 trung tâm sản xuất TBG hoàn chỉnh để cung cấp cho tất cả các Viện, BV”.

 

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cần có một chính sách quốc gia nhằm phát triển phương pháp điều trị bệnh tật bằng TBG, theo đó, Bộ Y tế phối hợp Bộ Khoa học - Công nghệ để xây dựng một chương trình tổng thể về nghiên cứu, ứng dụng TBG trong y học giai đoạn 2010 - 2020 trình Chính phủ phê duyệt và sẽ đưa vào chương trình công nghệ sinh học y tế quốc gia.
 
(Theo NĐBND)