Đổi mới công nghệ thiết bị tại các doanh nghiệp Nghệ An
Ở , từ năm 2003, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 101/2003/QĐ-UB về việc quy định hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN tỉnh Nghệ An; Quyết định số 104/2003/QĐ.UB, Quyết định 10/2009/QĐ-UB thay thế QĐ 104 về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá. Cụ thể như: Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án đổi mới, cải tiến công nghệ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, tạo sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đây là những quyết định quan trọng về chính sách KH&CN, thể hiện sự quan tâm của tỉnh, đồng thời đã có những tác động tích cực nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu đổi mới, ứng dụng, chuyển giao công nghệ để đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ hiện nay. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, đến nay đã có hàng chục DN được hỗ trợ với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Trong những kết quả đáng khích lệ đã đạt được, có thể kể đến: Nhà máy Grannit Trung Đô với dự án "Nghiên cứu đầu tư công nghệ sản xuất ngói màu gốm sứ chất lượng cao"; Công ty TNHH XNK Hùng Hưng với dự án "Nghiên cứu đầu tư công nghệ sản xuất ván sàn ghép mặt bằng gỗ tự nhiên".
Công viên nước Hà Tình, công trình do Nhà máy gạch grannit Trung Đô thi công |
Là một DN sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng từ khi thành lập cho đến năm 2009, Nhà máy gạch grannit Trung Đô thuộc công ty CP Trung Đô chỉ sản xuất gạch ốp lát grannit với nhiều kích thước và hoa văn khác nhau. Mặc dù đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Thái Lan, Irăc nhưng khi nền kinh tế toàn cầu bị đóng băng thì nhu cầu về gạch grannit cũng suy giảm. Năm 2008, công ty gặp khó khăn vì hàng hóa khó tiêu thụ và sản xuất cầm chừng, lợi nhuận giảm, việc làm và thu nhập của người lao động không ổn định. Đứng trước tình thế đó, nhà máy đã tổ chức thăm dò, khảo sát thị trường và quyết định nghiên cứu và đầu tư để sản xuất sản phẩm ngói màu gốm sứ có chất lượng tương đương với các loại ngói gốm sứ nhập khẩu, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng doanh thu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà máy.
Qua thời gian tìm tòi, khảo sát, đặc biệt là xem xét thực tế sản phẩm và thị trường Trung Quốc, Thái Lan cũng như trong nước, công ty đã lựa chọn sản xuất mặt hàng sản phẩm ngói bằng phương pháp bán khô - như công nghệ sản xuất gạch hiện tại với hai lý do chính. Thứ nhất là không phải đầu tư lắp đặt dây chuyền thiết bị mới mà tiến hành cải tiến dựa trên dây chuyền sản xuất gạch grannit hiện có, chỉ cần đầu tư thêm một số thiết bị là có thể sản xuất được chủng loại ngói màu gốm sứ tráng men. Như vậy, sẽ tiết kiệm được vốn đầu tư, giá thành ngói sẽ thấp hơn so với sản phẩm sản xuất trên một dây chuyền đầu tư đồng bộ ban đầu. Hai là sử dụng được nguồn sét đồi và các phụ gia khoáng hóa để cải thiện độ bền uốn, độ bền nhiệt, bền băng giá ở địa bàn NA làm nguyên liệu chính để có giá thành và chất lượng cạnh tranh với các sản phẩm ngói đang phổ biến trên thị trường.
Đây là dây chuyền hiện đang sản xuất gạch grannit nhưng với thị trường tiêu thụ như hiện nay, dây chuyền không thể hoạt động hết công suất. Vì vậy, dây chuyền này được cải tiến, lắp đặt thêm một số thiết bị để điều tiết công suất, sản xuất thêm sản phẩm ngói màu gốm sứ. Các công đoạn và thiết bị trong dây chuyền sản xuất gạch Grannit được sử dụng để sản xuất ngói gốm sứ là thiết bị nghiền - sấy - máy ép - lò nung. Nhà máy đầu tư thêm khuôn ép ngói - chày, hệ thống bàn lùa cấp liệu ép, máy phun men và thiết bị đóng gói. Tổng vốn đầu tư đổi mới thiết bị chỉ hết khoảng 1,3 tỷ đồng, rẻ hơn rất nhiều so với mua dây chuyền mới đồng bộ.
Sản phẩm ngói gốm sứ tráng men sản xuất ở nhà máy Grannit Trung Đô là sản phẩm đầu tiên sản xuất ở VN theo công nghệ ép bán khô, xương bán sứ, nung trong lò nung thanh lăn 1 lần. Các chỉ tiêu sản phẩm được xây dựng phù hợp với các chỉ tiêu về yêu cầu kỹ thuật của ngói tráng men theo TCVN 7195:2002. Vì vậy, sản xuất được sản phẩm này trên dây chuyền sản xuất gạch hiện có là một thành công rất lớn, khẳng định một bước nâng cao khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ của tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên trong nhà máy. Từ khi hoàn thành dây chuyền cải tiến đến nay, nhà máy đã sản xuất được 3 triệu viên ngói gốm sứ, tiêu thụ được 2,5 triệu viên, góp phần tăng doanh thu khoảng 30 tỷ đồng; chiếm lĩnh được thị trường hai tỉnh NA - Hà Tĩnh và đang mở rộng thị trường xuất khẩu sang Irac.
Ngoài hiệu quả kinh tế, dự án còn có ý nghĩa quan trọng về mặt XH đó là có thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tạo được sự phát triển bền vững cho nhà máy trong bối cảnh nền kinh tế đất nước nói chung và ngành gạch ốp lát nói riêng đang gặp nhiều khó khăn.
Cũng sản xuất và kinh doanh VLXD nhưng hàng hóa chủ yếu của Công ty TNHH XNK Hùng Hưng là các loại sản phẩm bằng nguyên liệu gỗ. Từ trước đến nay, gỗ nguyên liệu để sản xuất chủ yếu được nhập khẩu từ Lào, Mianma và một số nước khác. Sản phẩm chủ yếu là Solid và ghép UNI - là sản phẩm trang trí nội thất cao cấp nên giá thành cao. Mặc dù đã đứng vững trên thị trường với tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập mức trung bình khá trở lên nhưng đến năm 2008, cũng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế thế giới suy giảm mạnh nên sức mua của thị trường giảm, dẫn đến sản lượng tiêu thụ của công ty cũng giảm mạnh. Trước tình hình trên, công ty đã tổ chức nghiên cứu các loại sản phẩm ván sàn gỗ tự nhiên khác nhau, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và hướng đến phục vụ những khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Sản phẩm ván sàn ghép mặt bằng gỗ tự nhiên của công ty được sản xuất dựa trên hoạt động nghiên cứu đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng nguyên liệu chủ yếu ở phần đáy là gỗ rừng trồng ở VN hoặc gỗ nhập khẩu tận dụng, chỉ có phần mặt là ghép gỗ tự nhiên được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan nên giá thành thấp hơn. Đây là công nghệ mới ở thị trường Châu Á, trình độ tiên tiến hiện đại, tạo ra sản phẩm mới có chất lượng tương đương các sản phẩm mà công ty đã sản xuất.
Với tổng số tiền đầu tư mua sắm thiết bị dây chuyền công nghệ hơn 2 tỷ đồng và một đội ngũ lãnh đạo - cán bộ công nhân viên kỹ thuật lành nghề, có kinh nghiệm. Sau gần 1 năm (từ đầu năm 2009 đến đầu năm 2010), công ty đã thực hiện thành công dự án nghiên cứu đầu tư công nghệ sản xuất ván sàn ghép mặt gằng gỗ tự nhiên. Quy trình công nghệ sản xuất ván sàn ghép mặt bằng gỗ tự nhiên được hoàn chỉnh với 6 giai đoạn chính: tạo phôi - sản xuất tấm đáy - ghép mặt - chạy thành phẩm - sơn thành phẩm - đóng hộp, nhập kho. Đây là một dây chuyền thiết bị có trình độ công nghệ hiện đại nhất hiện nay, mới có ở trong nước và có đầu tiên ở Nghệ An. Sản phẩm ván sàn ghép mặt bằng gỗ tự nhiên được kiểm tra chất lượng tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng 1 đạt các yêu cầu quy định, có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ cho các công trình dân dụng, công nghiệp.
Dự án thành công đã làm đa dạng hóa các sản phẩm gỗ của DN trên địa bàn , nâng cao khả năng tiếp nhận công nghệ và sử dụng công nghệ của người lao động. Đồng thời, tận dụng có hiệu quả gỗ rừng trồng, giúp người trồng rừng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Kết quả cụ thể là năm 2010, doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng 39% so với năm 2009, người lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Từ đó, công ty có cơ hội tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, tạo đà phát triển bền vững cho DN.
Với sự thành công của 2 dự án tiêu biểu trên, có thể khẳng định, hoạt động nghiên cứu, đầu tư, đổi mới công nghệ - thiết bị nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa là yếu tố hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, quyết định sự tồn tại và phát triển vững chắc của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ hiện nay. Đồng thời, đây cũng là những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao mức sống của người lao động, góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội tỉnh nhà, rất cần được khuyến khích và đẩy mạnh hơn nữa.
(Lê Hằng)