Nâng cao hiệu quả quản lý rừng bằng vệ tinh
Trước diễn biến nhanh và phức tạp của việc xâm hại tài nguyên rừng, sử dụng dữ liệu vệ tinh là một giải pháp đã được rất nhiều nước lựa chọn để triển khai song song với các phương pháp quản lý truyền thống.
Cục Kiểm lâm, thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hợp tác với cơ quan không thám Nhật Bản (JAXA – Japan Aerospace eXploration Agency) xây dựng và triển khai dự án quản lý rừng bằng dữ liệu vệ tinh.
Ảnh vệ tinh mới nhất cho phép quan sát rừng với độ phân giải cao |
Theo Cục kiểm Lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây, để quản lý rừng (đo đạc, phân loại rừng, kiểm soát sự phát triển cũng như thay đổi của rừng dưới tác động của các hoạt động kinh tế, xã hội…), cán bộ kiểm lâm phải xuống địa bàn, tiếp cận trực tiếp tới các vùng rừng cần điều tra để đo đạc và thu thập thông tin. Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí, các thông tin về hiện trạng rừng thường không được cập nhật thường xuyên. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc quản lý rừng, đặc biệt khi tình hình xâm hại tài nguyên rừng đang ngày càng diễn biến nhanh và phức tạp như hiện nay.
Do đặc thù ngành lâm nghiệp (diện tích rừng nhiều, địa hình phức tạp) nên cứ 5 năm tiến hành điều tra rừng 1 lần. Tuy nhiên, diện tích rừng bị mất (cháy, chặt…) thì luôn bị thống kê chậm trễ, ảnh hưởng đến quản lý, quy hoạnh rừng. Việc điều tra rừng bằng phương pháp truyền thống cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để thống kê tài nguyên rừng, ngành lâm nghiệp phải cử cán bộ kiểm lâm đến địa bàn lấy số liệu, trực tiếp kiểm tra thực tế địa bàn và thống kê rừng qua chủ rừng ở các địa phương… đôi khi số liệu không chuẩn xác.
Mục tiêu của dự án hợp tác giữa Cục Kiểm lâm và JAXA là nâng cao khả năng quả lý rừng cho Việt Nam. Trong dự án này, với công nghệ không gian hàng đầu thế giới, JAXA đóng vai trò cung cấp dữ liệu ảnh vệ tinh như MODIS, ALOS, phục vụ cho việc quan sát rừng ở Việt Nam.
JAXA cũng tổ chức nhiều khóa huấn luyện xử lý ảnh vệ tinh cho các cán bộ của Cục Kiểm lâm với sự trợ giúp của trường Đại học Tokyo, Nhật Bản và Viện Công nghệ Châu Á (Asia Institute of Technology – AIT), Thái Lan.
Trả lời phóng viên VOVNews về sự hợp tác của JAXA với Cục kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ông Toro Fukuda, Giám đốc trung tâm quan sát và nghiên cứu trái đất thuộc JAXA cho biết: “Chúng tôi luôn cung cấp dữ liệu, ảnh vệ tinh mới nhất, từ những công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, cho phép quan sát rừng của Việt Nam với độ phân giải cao, với độ phân giải này có thể lấy được thông tin, nắm bắt được tình hình, hiện trạng về rừng”.
Ngoài ra, việc sử dụng ảnh vệ tinh có thể tính toán được sinh khối và trữ lượng cacbon trong rừng. TS Nguyễn Phú Hùng, Phó Viện trưởng Viện điều tra quy hoạch rừng cho biết: “Từ trước tới nay công tác điều tra đánh giá rừng tại nước ta mới chỉ quan tâm đến trữ lượng gỗ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, việc điều tra đánh giá trữ lượng cácbon và sinh khối rừng là rất quan trọng. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung đánh giá trữ lượng cacbon và sinh khối rừng ngập mặn. Diện tích rừng ngập mặn hiện nay đang bị xâm lấn, nhiều nơi đang phá rừng trồng thủy sản”.
Theo thông tin của Viện điều tra quy hoạch rừng, sắp tới sẽ thử nghiệm khả năng dùng ảnh vệ tinh để xác định rừng, sinh khối rừng cũng như lượng cacbon, nếu thành công sẽ thuận lợi thì cho ngành lâm nghiệp không phải đo đếm nhiều, mất nhiều sức lao động. Trên cơ sở đó có thể tính được trữ lượng cacbon, phân loại rừng, đối tượng rừng, những biến đổi về diện tích rừng, thuận lợi cho việc chi trả phí môi trường…Với việc sử dụng ảnh vệ tinh để theo dõi, chi phí giá thấp hơn so với quản lý truyền thống.
Thông qua dự án này, bằng việc kết hợp kinh nghiệm quản lý rừng lâu năm cùng những kỹ thuật tiên tiến, các cán bộ của Cục Kiểm lâm có thể làm chủ công nghệ mới để trích xuất nhiều thông tin hữu ích, rút ngắn thời gian, giảm chí phí cho việc cập nhật thông tin, qua đó nâng cao đáng kể hiệu quả trong việc quản lý nguồn tài nguyên rừng. Định hướng phát triển rừng cũng như là phục vụ công tác quy hoạch, và công tác lập dự án trồng rừng, bảo vệ rừng trong giai đoạn sắp tới.
Diện tích rừng Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, từ một nước có độ che phủ rừng lớn trên thế giới, đến thời điểm này Việt Nam chỉ còn giữ được một diện tích nhỏ rừng nguyên sinh. Bình quân mỗi năm diện tích rừng nước ta mất hàng chục nghìn ha do phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng. Hệ sinh thái rừng bị phá vỡ, môi trường tự nhiên bị biến đổi gây hạn hán và lũ lụt, làm thiệt hại lớn về kinh tế, chất lượng môi trường bị suy giảm.
(Theo VOVnews)