Ứng dụng KHCN nông nghiệp ở Nghệ An - Bước chuyển từ một dự án
Với diện tích đất tự nhiên rộng nhất cả nước, nền nông nghiệp Nghệ An hội tụ đặc trưng của nhiều vùng địa lý. Là một tỉnh có khu vực nông thôn, miền núi rộng lớn, nông dân Nghệ An được thụ hưởng ngày càng nhiều thành quả KH&CN do Chương trình nông thôn, miền núi hỗ trợ. Bên cạnh các dự án ủy quyền cho địa phương quản lý, dự án khoa học công nghệ nông nghiệp thuộc Ban quản lý dự án Trung Ương và Trung Tâm khuyến nông Quốc gia đã và đang tiến hành triển khai xây dựng và nhân nhanh các mô hình, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Các dự án thực sự là những điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân. Kết quả các dự án đã được duy trì và nhân rộng, làm tiền đề cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương, nâng cao niềm tin và ý thức của người dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Để không ngừng khai thác tiềm năng đất đai và làm giàu chính đáng tại quê hương, nông dân Nghệ An từ đồng bằng cho đến miền núi luôn trăn trở tìm tòi những phương thức canh tác phong phú nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Tuy nhiên, do sự manh mún, sự biến động giá cả thị trường cộng với thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm ứng dụng trong sản xuất... nên đời sống của nông dân Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn. Với mục tiêu chuyển giao các tiến bộ KH&CN phù hợp, tạo điều kiện nhiều hơn cho địa phương và người dân tiếp thu và ứng dụng tiến bộ KH&CN, thông qua hệ thống trung tâm khuyến nông, khuyến ngư các huyện, các lớp tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng giống... dự án khoa học công nghệ nông nghiệp thuộc Ban quản lý dự án Trung Ương và Trung Tâm khuyến nông Quốc gia đã từng bước tiếp cận và trang bị các kiến thức KH&CN đến nông dân, CBKT, lãnh đạo chính quyền địa phương …
Mô hình lợn thịt hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường tại huyện Quỳ Châu nằm trong Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp thuộc Ban quản lý dự án Trung Ương và Trung Tâm khuyến nông Quốc gia được bắt đầu thực hiện từ tháng 12 năm 2008. 52 hộ được chọn để triển khai mô hình đều có kinh tế từ nghèo đến trung bình, có 70-80% là hộ nghèo. Các hộ này cũng phải xây dựng chuống trại đảm bảo, đúng yêu cầu kỹ thuật. Sau khi chọn được các hộ tham gia mô hình, dự án và trạm KNKL bắt đầu tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia. Nội dung của đợt tập huấn là chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt đảm bảo chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, trong đợt tập huấn cũng đã hướng dẫn bà con cách phòng trừ dịch bệnh. Sau khi được tập huấn, dự án KHCNNN và trạm KNKL huyện đã tổ chức cấp phát giống cho từng hộ tham gia mô hình.
Hoạt động của dự án KHCNNN Nghệ An trên địa bàn huyện Quỳ Châu chưa thể làm thay đổi được nền kinh tế của cả một vùng nhưng đã góp phần làm thay đổi được nhận thức của người dân miền núi Tây Bắc Nghệ An trong chăn nuôi. Người dân đã biết áp dụng những KHKT vào chăn nuôi thay thế cho những phương thức lạc hậu trước đây. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho các hộ tham gia mô hình đặc biệt là các hộ nghèo ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng mà còn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhìn chung, Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp thuộc Ban quản lý dự án Trung Ương và Trung Tâm khuyến nông Quốc gia được tổ chức triển khai trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thực sự là những điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần cải thiện đời sống nông dân vùng nông thôn và miền núi. Kết quả các dự án đều được duy trì và nhân rộng trong thực tế, làm tiền đề cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh, nâng cao niềm tin và ý thức của người dân trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Đơn cử là Dự án “chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học” triển khai thực hiện trên địa bản tỉnh Nghệ An từ cuối năm 2008 đến cuối năm 2009 tại các huyện Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương. Với mục đích giúp người nông dân tiếp cận với các thành tựu KHKT mới trong chăn nuôi, đồng thời, sau khi tham gia 1 quy trình chăn nuôi gà thịt ATSH do dự án cung cấp, các hộ tham gia có thể áp dụng tái đầu tư chăn nuôi gà hoặc đầu tư vào chăn nuôi khác. Hình thức thực hiện là mỗi huyện chọn 1 xã làm điểm xây dựng mô hình sau đó nhân rộng ra trên địa bàn toàn huyện. Trạm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư các huyện là đơn vị triển khai thực hiện. Từ dự án này, thông qua công tác tập huấn, hầu hết người dân tham gia dự án đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi gia cầm nhờ biết áp dụng kỹ thuật, đầu tư chuồng trại và phòng trừ dịch bệnh. Trong quá trình chăn nuôi, ngoài mức đầu tư vốn không hoàn lại, điều quan trọng nhất là các hộ được giúp đỡ về kiến thức chăn nuôi, thuốc thú y...
Đặc biệt, chương trình là cầu nối quan trọng giúp phổ biến, chuyển giao KH&CN cho nông nghiệp nông thôn và miền núi. Định hướng mục tiêu, các nội dung và sản phẩm... mà chương trình đưa ra hết sức thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của sản xuất và đời sống nhân dân. Hầu hết nội dung các mô hình dự án trong chăn nuôi, trồng trọt cũng như ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất của Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp thuộc Ban quản lý dự án Trung Ương và Trung Tâm khuyến nông Quốc gia thực hiện tại Nghệ An, ở những mức độ khác nhau đều mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nhất định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bộ phận nhân dân vùng dự án và đang được triển khai nhân rộng.
Với những kết quả đạt được, những dự án khoa học công nghệ nông nghiệp thuộc Ban quản lý dự án Trung Ương và Trung Tâm khuyến nông Quốc gia thực hiện tại Nghệ An đã chuyển giao công nghệ đến người nông dân một cách thiết thực, đưa ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thúc đẩy sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
(Hoa Mơ)