Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và quản lý chặt các dự án phát triển về CNTT

15:00, 28/04/2011
Sáng nay (28/4), Thường vụ tỉnh ủy Nghệ An đã nghe và cho ý kiến về báo cáo tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 10 NQ/TU khóa 16 về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên TƯ đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chủ trì cuộc họp.

 

 

Thực hiện chương trình ứng dụng và phát triển CNTT, đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 2.079 trạm BTS hoạt động; cáp quang đến 100% trung tâm huyện, bưu cục III. Mật độ thuê bao điện thoại đến cuối năm 2010 tăng gấp 3,25 so với cuối năm 2007 đạt 84,1 thuê bao/100 dân, tăng 58 thuê bao/100 dân so với năm 2007. Tổng số thuê bao internet băng rộng toàn tỉnh đạt 72.875 thuê bao, gấp 123 lần so với cuối năm 2005. Toàn tỉnh có gần 300 ngàn máy tính, tốc độ tăng trưởng đạt 33,3%/năm; Khối các cơ quan nhà nước đã được đầu tư khá tốt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu ban đầu về ứng dụng CNTT. Ở cấp huyện hiện có 80% cơ quan UBND, 100%  cơ quan huyện ủy có mạng LAN hoạt động, 100% các cơ quan đảng và nhà nước kể cả cấp huyện và cấp tỉnh đều đã có kết nối diện rộng (WAN) và Internet, đạt mục tiêu đến năm 2010 Nghị Quyết đã đặt ra.

 

Việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực được đẩy mạnh đã góp phần thay đổi phong cách làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực CNTT được chú trọng từ khâu đào tạo bậc phổ thông; trong các trường Đại học, Cao đẳng; trong đội ngũ CBCC; trong nhân dân tạo chuyển biến tốt. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT ngày càng đi vào nề nếp góp phần thúc đẩy nhanh hiệu quả ứng dụng phát triển CNTT. Các chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh liên tục được tăng lên, từ thứ 37/64 tỉnh thành năm 2006 lên vị trí thức 10/63 tỉnh thành năm 2010.

 

Đối với định hướng mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2020, phấn đấu 100% UBND các huyện ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại tại bộ phận một cửa. 100% các cơ quan nhà nước từ cấp huyện, Sở, Ban, ngành hoặc tương đương trở lên có Cổng thông tin điện tử; phát triển và từng bước hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu về quản lý thông tin KTXH, đất đai, tài nguyên môi trường, quản lý dân cư, doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, quản lý đô thị, xây dưng cơ bản… của tỉnh để từng bước thống nhất với các cơ sở dữ liệu Quốc gia, bảo đảm tính cấu trúc, hệ thống, tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; hình thành và phát triển khu công nghệ cao nằm trong khu kinh tế Đông Nam; tập trung thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động công viên công nghệ thông tin tỉnh Nghệ An.

 

Kết luận nội dung này, đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận những tiến bộ trong ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của các ngành các cấp, nhất là trong các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là trong việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực hoạt động KT-XH, công nghiệp, công nghệ thông tin còn yếu và thiếu đồng bộ. Trên cơ sở những phân tích và đánh giá thành quả đạt được trong thời gian qua, đồng chí bí thư tỉnh ủy nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, 100% cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị cần phải áp dụng phần mềm công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, phát triển nhanh công nghệ công nghiệp thông tin, chủ yếu là phần mềm, số hóa; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực về CNTT, quản lý chặt các dự án phát triển CNTT bảo đảm đúng mục đích; Cương quyết thu hồi đất đối với các dự án sai mục đích.

 

(Hiến Chương)