Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Xét nghiệm thành công bệnh vi bào tử ở tôm sú

11:11, 07/04/2011
Ngày 6/4, ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu cho biết, sau nhiều tháng theo dõi, nghiên cứu, đơn vị đã thực hiện xét nghiệm thành công bệnh vi bào tử ở tôm sú.

 

Tuy chưa tìm ra cách điều trị, nhưng với kết quả xét nghiệm này là thành công lớn đối với ngành nuôi trồng thủy sản địa phương. Đặc biệt, Bạc Liêu là một trong những tỉnh đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đầy đủ trang thiết bị để xét nghiệm, chẩn đoán bệnh vi bào tử nhiễm trên tôm sú, giúp người nuôi tôm sú yên tâm sản xuất.

Bệnh vi bào tử là dạng ký sinh trùng nội tế bào, gây tổn thương tế bào gan, tụy ở tôm. Bệnh xuất hiện trên tôm sú gần đây, đặc biệt trong năm 2010, bệnh vi bào tử đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm ở Bạc Liêu, nhất là mô hình nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp. Đến thời điểm này, chưa có thuốc đặc trị bệnh này, chỉ phòng ngừa là chính, bằng cách chọn con giống không nhiễm bệnh.

Việc Bạc Liêu đưa vào xét nghiệm bệnh vi bào tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi tôm địa phương, giảm chi phí và thời gian so với trước đây phải gửi mẫu kiểm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, dịch vụ xét nghiệm này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân nuôi tôm đến từ các tỉnh, thành trong khu vực.

Với chi phí 50.000 đồng/mẫu và thời gian trả kết quả sau 24 giờ, bà con nuôi tôm có thể liên hệ tại Phòng Xét nghiệm bệnh thủy sản thuộc Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu.

Bạc Liêu có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 125.000ha, phần lớn nuôi theo mô hình quảng canh, quảng canh cải tiến. Riêng nuôi theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp khoảng 15.000ha.

Hiện 100% diện tích tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến được thả nuôi, riêng mô hình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp chỉ mới thả giống được khoảng 5.000ha.

Tuy nhiên, gần đây xuất hiện loại bệnh vi bào tử, thời tiết bất lợi làm cho nhiều nông dân thua lỗ, gây thiệt hại nặng. Với việc xét nghiệm thành công loại bệnh này, không chỉ giúp người nuôi tôm biết cách phòng ngừa, giảm thiệt hại, mà còn giúp ngành nuôi trồng thủy sản phát triển sản xuất ổn định, đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho thị trường, nhất là hàng hóa xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế bền vững cho địa phương.

 

(Theo TTXVN)