Nới lỏng quy định lập website thương mại điện tử tại Việt Nam
Nghị định mới của Chính phủ đã nới lỏng nhiều quy định trong việc lập website thương mại điện tử tại Việt Nam so với quy định cũ.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới sửa đổi một số điều trong Nghị định về thương mại điện tử (TMĐT) trong đó nới lỏng nhiều quy định trong việc lập website TMĐT tại Việt Nam so với quy định cũ. Với quy định mới, các thương nhân, tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân có quyền được thiết lập website thương mại điện tử mà không cần phải có website với tên miền hợp lệ hay không cần có chức năng, nhiệm vụ phù hợp như quy định trước đây.
Nới lỏng nhiều quy định trong việc lập website TMĐT tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet |
Cụ thể, trong quản lý website cung cấp dịch vụ TMĐT, Nghị định mới quy định bãi bỏ quy định “Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet" và điều kiện các tổ chức, cá nhân cần có chức năng, nhiệm vụ phù hợp hay phải có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet mới được thành lập website TMĐT bán hàng. Theo đó, quy định điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân và đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website TMĐT bán hàng theo quy định.
Trong khi đó, trong điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT cũng được bãi bỏ điều kiện về cấu trúc, tính năng và các mục thông tin chủ yếu trên website cung cấp dịch vụ (trong đề án cung cấp dịch vụ).
Về điều kiện cấp phép cho thương nhân, tổ chức tiến hành hoạt động đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trong TMĐT, Nghị định mới bãi bỏ các điều kiện đó là có đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập trong đó nêu rõ lĩnh vực hoạt động là đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trong TMĐT;
Độc lập về mặt tổ chức và tài chính với các thương nhân, tổ chức, cá nhân được đánh giá và chứng nhận về chính sách bảo vệ thông tin cá nhân; Có đề án hoạt động chi tiết được Bộ Công Thương thẩm định. Đồng thời phải có tiêu chí và quy trình đánh giá chính sách bảo vệ thông tin cá nhân được công bố công khai, minh bạc, áp dụng thống nhất cho các đối tượng được đánh giá.
Ngoài ra, về điều kiện cấp phép hoạt động cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử thì Nghị định mới bãi bỏ Yêu cầu về tài chính và yêu cầu về kỹ thuật.
Như vậy là nhiều điều kiện trong thành lập và quản lý website cung cấp dịch vụ TMĐT đã được nới lỏng hơn so với các quy định cũ. Với các điều kiện mới, hoạt động TMĐT sẽ tiếp tục có điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 của Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công Thương, tính đến năm 2016, số lượng website TMĐT đã được xác nhận thông báo, đăng ký đạt đến con số 13.510 website, tăng nhanh so với con số 9424 năm 2015. Cũng theo thống kê, tại Việt Nam có 682 sàn TMĐT, 93 website khuyến mại trực tuyến và 20 website đấu giá trực tuyến.
Theo ICTnews