Áp lực cải tiến bút S Pen khi ra Galaxy Note 10 của Samsung
Khi một chiếc iPhone hay Galaxy S sắp trình làng, mỗi người yêu thích công nghệ đều đặt ra những kỳ vọng riêng. Đó có thể là viền màn hình mỏng hơn, cấu hình mạnh mẽ hơn, camera chụp tốt hơn, kiểu dáng mỏng nhẹ hơn hay đơn giản chỉ là thời lượng pin lâu hơn. Năm 2018, người dùng có thể mua Galaxy S8 vì màn hình "vô cực" tràn viền cuốn hút và khác biệt nhưng sang năm 2019 khi thiết kế ít thay đổi, Galaxy S9 bù đắp bằng camera chụp đẹp hơn đáng kể.
Tuy nhiên, với Galaxy Note, không sự bù đắp nào khỏa lấp được một model mới trình làng mà không kèm theo những nâng cấp lớn với bút S Pen.
Sự đòi hỏi đó của người dùng với Galaxy Note là điều dễ hiểu. Bút S Pen là "linh hồn" của dòng máy này suốt 8 năm qua. Nếu iPhone nổi danh với hệ điều hành iOS ổn định thì trong thế giới Android, Galaxy Note có lẽ là dòng điện thoại tạo nên sự khác biệt rõ nhất và duy trì được điều này trong suốt quãng thời gian có mặt trên thị trường.
Năm 2011, Galaxy Note trình làng trong sự ngạc nhiên xen lẫn hoài nghi của giới công nghệ. Ngoài màn hình quá to so với các máy cùng thời và được ví như "dép tông", smartphone này còn gây sự tò mò với bút cảm ứng đi kèm. Samsung tỏ ra thận trọng và chu toàn khi chọn Wacom - hãng công nghệ nổi tiếng chuyên về lĩnh vực bút và bảng vẽ kỹ thuật số để hợp tác sản xuất ra chiếc bút gắn kèm trong thế hệ Note đầu tiên.
Thử nghiệm mang tên Galaxy Note của Samsung thực tế thành công hơn mong đợi. S Pen được giới chuyên gia đánh giá cao với thiết kế nhỏ gọn, dài chỉ 14 mm nhưng có độ nhạy tới 256 áp lực và quan trọng nhất là trải nghiệm mượt mà hơn hẳn các PDA chạy Windows Mobile trước đó.
Tới thế hệ hai ra mắt năm 2012, Galaxy Note 2 được nâng cấp về độ nhạy áp lực, khả năng phát hiện bút khi đặt gần màn hình mà không cần phải chạm, AirView xem nhanh nội dung hay Paper Artist chuyển ảnh thành tranh vẽ. Trang Engadget khi đó nói rằng, không cần biết những tính năng này có thực sự hữu dụng hay không nhưng chắc chắn đủ khiến chủ sở hữu tự hào khi cầm Galaxy Note 2 trên tay.
Các thế hệ Galaxy Note 3 và Note 4, không có sự thay đổi về mặt vật lý đáng kể nhưng tính năng luôn tăng theo cấp số nhân. Từ những chi tiết nhỏ như rút bút để bật loạt menu nhanh hay chuyển chữ viết thành văn bản đều đặn được nâng cấp qua từng năm. Tới thế hệ Galaxy Note 5, bút viết bắt đầu thay đổi cơ chế với lò xo ở đầu để dễ dàng thao tác rút hơn. Ở model ra mắt năm 2015 này, bút có thể còn có thể viết ngay lên màn hình mà không cần mở máy như các thế hệ trước.
Bút S Pen trên Note 9 có thể coi là nâng cấp lớn nhất trong ba năm gần đây khi ngoài tác dụng viết vẽ thông thường, thiết bị còn có thể trở thành điều khiển từ xa với các tác vụ như chụp ảnh, trình chiếu slide, phát nhạc... Samsung cho biết đã phải nghiên cứu khá lâu để đưa công nghệ kết nối Bluetooth LE (năng lượng thấp) lên bút cũng như công nghệ sạc qua siêu tụ điện đảm bảo trải nghiệm đơn giản nhất với người dùng (tự sạc khi nhét bút vào lại máy).
Với Galaxy Note 10 sắp ra mắt, tin đồn về bút S Pen lại khá ít ỏi. Một số chuyên gia thậm chí cho rằng trang bị này có thể không phải là trọng tâm của Note 10, khiến những người yêu thích dòng Galaxy Note thấy hụt hẫng, nhưng thực tế rất khó xảy ra.
Trong thư mời gửi tới giới truyền thông đầu tháng này, ảnh động mà Samsung đính kèm với chủ thế chính là bút viết bên cạnh biểu tượng camera, gợi ý về những nâng cấp đáng kể với bút và máy ảnh trên Galaxy Note mới. Thậm chí màn hình viền siêu mỏng với "nốt ruồi" được nhắc nhiều nhất trong loạt tin đồn trước ngày ra mắt chưa chắc là nâng cấp gây chú ý nhất trên Note 10.
Người dùng nếu thích màn hình tràn viền, camera chụp đẹp, cấu hình siêu mạnh hay cảm biến vân tay dưới màn hình, họ có vô số lựa chọn từ đầu năm. Nhưng với những người muốn chờ qua lễ ra mắt Note 10 để quyết định, lý do không nhỏ là vì sự kỳ vọng với bút S Pen. Đây cũng chính là câu hỏi chờ Samsung giải đáp vào rạng sáng 8/8.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin