Khoa học công nghệ

Đám tang online thời Covid-19

08:29, 28/03/2020
Khi bà Isabel Cabrera Galindo, 82 tuổi, qua đời, gia đình và bạn bè của bà được khuyên không nên tới dự đám tang mà theo dõi qua livestream.

Thay vào đó, quá trình tưởng niệm và chôn cất được phát trực tiếp qua tài khoản Facebook. Tuy nhiên, nhiều người không nghe hoặc cảm nhận được những phần quan trọng trong buổi lễ.

Chỉ vài ngày sau khi trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC (Mỹ) yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tang lễ chuyển dịch vụ lên mạng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, các gia đình như nhà Galindo phải chấp nhập một thực tế họ không thể nghĩ tới trước đây.

"Là một người thuộc thế hệ millennial (sinh sau 1980) và hoạt động trên Internet, tôi đã theo dõi nhiều sự kiện được livestream. Nhưng thực tế này thật buồn. Buồn bởi bà tôi, một phụ nữ thích gặp gỡ, tiệc tùng lại phải trải qua nghi lễ cuối đời mình chỉ với 10 người thân. Buồn vì ngay cả với công nghệ ngày nay, rất khó nghe những lời tưởng nhớ về bà qua livestream. Và buồn khi biết rằng chúng tôi không thể chia sẻ những khoảnh khắc cuối cùng ấy bên nhau như một gia đình", Garrett Galindo nói với CNN Business.

Một đám tang hạn chế người tham dự ở Milwaukee, Wisconsin.
Một đám tang hạn chế người tham dự ở Milwaukee, Wisconsin.

Trước đám tang, nhà thờ St. Helens ở Arizona thông báo cho gia đình Galindo rằng số người tham dự phải ở mức tối thiểu để tránh nguy cơ lây nhiễm. Vợ chồng ba người con của bà Isabel Galindo cùng ba trong số 11 người cháu tới dự. Cha của Garrett dùng iPhone và tripod quay và phát buổi lễ online qua tài khoản Facebook cá nhân.

"Có khoảng 20 người theo dõi qua laptop khi đang làm việc tại nhà. Bà tôi có nhiều bạn bè, nhưng đa số họ không dùng Internet hoặc biết về công nghệ. Nếu không, số người xem sẽ khoảng 100", Garrett nói.

Đại dịch khiến một vài trong số những sự kiện lớn nhất của cuộc đời bị huỷ, từ việc trì hoãn đám tang tới lùi lịch đám cưới, tốt nghiệp, lễ rửa tội... Nó cũng thúc đẩy người Mỹ tìm đến các dịch vụ livestream hay chat video để tham dự từ xa những sự kiện mà vốn dĩ nên tham gia trực tiếp.

Ngoài Mỹ, một số nước khác như Anh cũng đi theo xu hướng này. Còn Trung Quốc và Italy, tang lễ bị cấm tổ chức tới khi có thông báo mới và gia đình được khuyên nên hoả táng những người chết vì bệnh. 

"Chúng tôi từng livestream đám tang vài lần trước đại dịch Covid-19 cho các thành viên gia đình ở xa không thể tham dự", mục sư Bryan Sabourin tại Nova Scotia (Canada) cho biết. Khi một trong những giáo dân qua đời gần đây, nhà thờ và gia đình quyết định livestream tang lễ trên YouTube. "Tôi không thấy ai bình luận tiêu cực về về việc livestream này", Sabourin cho biết.

"Tôi bằng lòng với một số phần, nhưng khó chịu với toàn bộ buổi lễ. Khó có thể cảm nhận được gì khi bạn ngồi ở nhà", Garrett Gallindo nói.

Theo VNE

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện