Khoa học công nghệ

Châu Âu tăng tốc cuộc đua không gian

07:35, 30/01/2022
Dường như việc công bố Quỹ đầu tư cho lĩnh vực vũ trụ cho thấy châu Âu rất sốt ruột và muốn “tăng tốc” tung nhiều chiến lược, dự án với tham vọng vươn ra không gian.

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) công bố Quỹ tài trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực vũ trụ. Với tên gọi Cassini đặt theo tên nhà thiên văn học thế kỷ 17 người Italy, đây là dự án nằm trong Quỹ Đầu tư châu Âu chuyên hỗ trợ tài chính rủi ro cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại châu Âu. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị không gian càng lúc càng tăng nhiệt, với động thái này, liệu châu Âu có thể sớm bắt kịp cuộc đua vốn đang bị đánh giá là “yếu thế” hơn so với các đối thủ khác hay không?

 

“Muộn còn hơn không”
“Muộn còn hơn không”

Quỹ đầu tư Cassini trị giá 1 tỷ euro là bước đi mới nhất của châu Âu nhằm hiện thực hóa Chiến lược không gian châu Âu vốn được Ủy viên phụ trách công nghiệp của EU, ông Thierry Breton đưa ra hồi đầu năm 2021. Đối với châu Âu, mặc dù tương đối chậm chạp nhưng việc tung ra quỹ Cassini cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy châu Âu đang bắt đầu nhận thức được rằng khối này cần phải nhanh chóng bước vào cuộc chạy đua với các đối thủ lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Nga nếu như không muốn ngày càng bị tụt lại phía sau trong lĩnh vực không gian. Hiện nay, lĩnh vực không gian vũ trụ đang ngày càng trở thành sân chơi cạnh tranh khốc liệt.

Nếu như trong quá khứ, không gian vốn thường được ngầm hiểu là nơi để các cường quốc thể hiện sức mạnh kinh tế-công nghệ, để nâng cao hình ảnh quốc gia thì ngày nay, sau nhiều thập kỷ chứng kiến những bước phát triển vượt bậc về công nghệ, không gian đã trở thành thị trường khai phá đầy tiềm năng. Không gian ngày nay không chỉ là lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược về khám phá khoa học, về quốc phòng, công nghệ mà còn cả về thương mại. Chính yếu tố này thu hút sự tham gia ngày càng nhiều của các công ty tư nhân, các công ty khởi nghiệp.

Đây là điều rất khác biệt so với cách đây 1-2 thập kỷ, khi mà không gian vẫn là nơi thống trị tuyệt đối của các chính phủ, của các cơ quan nghiên cứu không gian nhà nước lớn như NASA (Mỹ), Roscosmos (Nga) hay Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu – ESA. So với hai đối thủ chính là Mỹ và Trung Quốc, châu Âu đang thiếu rất nhiều sự đầu tư lớn cho các công ty tư nhân, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực không gian. Do vậy, việc ra đời quỹ Cassini là một hành động mà giới quan sát cũng như dư luận châu Âu đánh giá là “muộn còn hơn không” của châu Âu, đánh dấu việc châu Âu bắt đầu biến nhận thức chính trị thành hành động.

Mục tiêu khi tung ra quỹ Cassini, đó là đảm bảo các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực không gian châu Âu có nguồn tài chính cần thiết để theo đuổi đến cùng các tham vọng của mình bởi từ trước đến nay, nhiều công ty khởi nghiệp của châu Âu trong lĩnh vực này khi mở rộng quy mô các dự án đều phải tìm đến các nhà đầu tư bên ngoài châu Âu. Điều đó, như cảnh báo của các quan chức châu Âu, sẽ tạo nên rủi ro đánh mất chủ quyền không gian của châu Âu, khiến châu Âu sau này phải phụ thuộc nhiều vào công nghệ của Mỹ hay các nước khác.

Thế mạnh của châu Âu

Châu Âu vẫn là một trong những cực quyền lực về kinh tế và công nghệ của thế giới và luôn là một trong những khu vực dẫn đầu thế giới về công nghệ hàng không-vũ trụ. Một ví dụ điển hình cho tinh hoa công nghệ của châu Âu là tập đoàn Ariane chuyên về tên lửa đẩy.

Trong hơn 4 thập kỷ qua, các thế hệ tên lửa đẩy như Ariane-5 hay Ariane-6 vẫn luôn là một trong những tên lửa đẩy được đánh giá cao nhất về hiệu quả, độ tin cậy, đặc biệt trong các nhiệm vụ đưa các vệ tinh lớn vào quỹ đạo. Một ví dụ khác là hệ thống định vị toàn cầu Galileo của châu Âu, một thành quả chung của nhiều nước châu Âu trong lĩnh vực không gian và được coi là sẽ đủ năng lực cạnh tranh hệ thống GPS của Mỹ. Do đó, về mặt công nghệ và năng lực sáng tạo, châu Âu luôn có thế mạnh.

Một thế mạnh khác là sự hợp tác của nhiều quốc gia trong nội bộ EU để tạo nên các tập đoàn lớn, như Airbus trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Mô hình này giúp châu Âu huy động được một nguồn lực lớn hơn về tài chính, nhân lực, cũng như tối ưu hóa các giải pháp công nghệ, ví dụ: trong một số dự án chế tạo tên lửa đẩy của Ariane, phía Pháp sẽ phụ trách một tầng đẩy, một phần khác sẽ do Đức phụ trách chế tạo... qua đó, năng lực và điểm mạnh công nghệ của nhiều nước được tập hợp.

Mặc dù mô hình này đôi khi dẫn đến việc chậm chạp về hành chính nhưng châu Âu đã chứng minh mình có thể thành công, như với dự án tập đoàn Airbus. Tuy nhiên, không gian là lĩnh vực đầu tư vô cùng khó khăn, tốn kém và cũng tương đối mạo hiểm, tỷ lệ thành công không lớn, do đó, bên cạnh nền tảng công nghệ cũng như môi trường sáng tạo, điều quan trọng nhất là yếu tố tài chính.

Về mặt này, châu Âu dù đang tăng tốc nhưng vẫn thua kém nhiều so với Mỹ hay Trung Quốc. Hiện tại, ngân sách dành cho ESA mỗi năm chỉ khoảng 6 tỷ euro, tức chỉ bằng khoảng 1/4 NASA của Mỹ và khoảng 1/2 Cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc. Ủy ban châu Âu dự tính sẽ tăng thêm ngân sách cho ESA khoảng 2,3 tỷ euro từ nay đến năm 2027 nhưng chừng đó cũng chưa thể so được với Mỹ hay Trung Quốc.

“Tăng nhiệt” cuộc đua vào không gian

Việc châu Âu tham gia vào cuộc đua không gian trước hết là để bảo vệ lợi ích cho châu Âu, giữ cho châu lục này không bị tụt lại ngày càng xa hơn so với các đối thủ chính như Mỹ, Trung Quốc, Nga và sắp tới có thể là cả Ấn Độ. Hiện tại, dù châu Âu có tham gia hay không, cuộc đua trong lĩnh vực không gian vũ trụ cũng đã rất sôi động, khi có khoảng 72 quốc gia trên thế giới đã công bố các chương trình không gian riêng của mình. Số lượng vệ tinh phóng lên quỹ đạo trái đất ngày càng nhiều. Năm 2021 là năm mà thế giới phóng nhiều vệ tinh lên không gian nhất kể từ sau sự kiện Sputnik, với hơn 1.400 vệ tinh được phóng.

Việc tham gia của các công ty tư nhân, điển hình như SpaceX, đang thay đổi diện mạo ngành công nghiệp không gian, khi các công ty này đưa ra các giải pháp phóng vệ tinh với chi phí rẻ hơn nhiều so với trước kia, đồng thời áp dụng các công nghệ mới như tên lửa đẩy tái sử dụng. Một loạt các công ty tư nhân Trung Quốc cũng đang tăng tốc trong phân khúc này để bắt kịp SpaceX. Các dự án lớn của nhiều tập đoàn viễn thông về việc xây dựng hệ ngân hà vệ tinh riêng cho công nghệ 5G, internet vệ tinh... cũng đang nở rộ.

Lĩnh vực du lịch không gian cũng đã không còn là xa vời và trong 1-2 năm tới, sự cạnh tranh trong lĩnh vực định vị toàn cầu, giữa các hệ thống GPS (Mỹ), Galileo (châu Âu), Bắc Đẩu (Trung Quốc) hay Glonass (Nga) sẽ ngày càng khốc liệt hơn khi các chuỗi vệ tinh hoàn thiện. Việc châu Âu tham gia mạnh mẽ hơn vào cuộc đua không gian sẽ càng làm cho sự cạnh tranh quyết liệt hơn.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện