Ngày 20/8, nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết, tuyến cáp quang biển APG vừa phát hiện thêm 2 sự cố tại các nhánh S1.9 và S9, không lâu sau khi phát hiện trục trặc ở nhánh S1.7 hồi tháng 6 vừa qua. Lỗi phát sinh khiến lịch thời gian hoàn tất sửa chữa dự định vào cuối tháng 8 hoặc chậm nhất đầu tháng 9 phải lùi lại mà chưa có kế hoạch chi tiết khi nào sẽ khắc phục xong.
Việc cùng lúc trục trặc tại 3 nhánh của tuyến này khiến dung lượng kết nối của Việt Nam đi Singapore bị ảnh hưởng. Tuy nhiên nhà mạng cho biết chất lượng sẽ không ảnh hưởng đáng kể bởi từ sau sự cố đứt cáp diễn ra liên tiếp của 5 tuyến cáp quang biển Việt Nam đang sử dụng, các doanh nghiệp viễn thông đều đã chuẩn bị phương án dự phòng. Trong đó, ngoài việc định tuyến sang cáp quang đất liền, ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) trong nước đã san tải và mua lại lưu lượng của nhau để bù đắp cho khoảng thiếu hụt.
Tuyến cáp quang biển APG buộc phải lùi lịch khôi phục dung lượng do phát sinh sự cố mới. |
Việt Nam đang sử dụng 5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet đi quốc tế. Hồi đầu năm 2023, cả 5 tuyến gồm AAG, APG, SMW-3, IA, AAE-1 liên tiếp trục trặc nhưng tới nay đã có 4 tuyến vận hành ổn định trở lại. Riêng tuyến APG nhiều lần gặp sự cố trong 8 tháng qua. Cụ thể, tuyến cáp dài 10.400 km này đã lỗi trên các nhánh khác nhau vào tháng 1, tháng 3, tháng 6 và lần gần nhất là tháng 8. Cáp APG đi vào vận hành từ giữa tháng 12/2016, chạy ngầm dưới biển Thái Bình Dương và băng thông tối đa lên tới 54 Tbps.
Cáp biển APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Theo thống kê của Speedtest trong tháng 7, tốc độ Internet di động trung bình của Việt Nam đạt 48,29 Mpbs, tăng 5 bậc và đứng thứ 45 toàn cầu. Tốc độ Internet cố định đạt 93,66 Mbps, đứng thứ 46.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin