Phát triển bền vững cây cao su ở Nghệ An
Cao su là cây công nghiệp dài ngày, nhưng cũng là cây lâm nghiệp, cây bảo vệ và chống xói mòn đất. Mặt khác, đây là cây dễ trồng nhất, đầu tư chủ yếu 1 lần và có thể cho thu hoạch mủ sau 6 năm trồng, thời gian thu hoạch mủ kéo dài từ 25-30 năm. Đây cũng là loại cây trồng rất ít sâu bệnh phá hoại, vì bản thân nó thuộc nhóm cây rừng tự nhiên nên khả năng tự phòng chống sâu bệnh rất tốt và là cây cho sản phẩm toàn diện, từ nhựa, gỗ và quả. Miền Tây Nghệ An nói chung và vùng Phủ Quỳ nói riêng có diện tích rộng, dộ dốc vừa phải, khí hậu ôn hoà... rất phù hợp để trồng cao su – loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, cho đến nay, diện tích cây cao su ở Nghệ An mới dừng lại ở con số khoảng 4.000ha. Bên cạnh đó, một phần diện tích cao su hết kỳ khai thác mủ đã được chuyển sang trồng mía nguyên liệu mà không được tiếp tục đầu tư trồng mới cây cao su. Trên thực tế, các cấp chính quyền địa phương và người sản xuất ở Nghệ An cũng chưa thật sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và giá trị kinh tế xã hội của cây cao su. Vì vậy, việc quy hoạch và lập dự án đầu tư để phát triển cây cao su có làm nhưng việc tổ chức thực hiện không quan tâm đúng mức.
Vườn nhân giống cây cao su phục vụ dự án của Công ty cổ phần cao su Nghệ An
|
Nhằm hình thành và đẩy mạnh phát triển các vùng cây nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, tạo việc làm ổn định thường xuyên cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo, tỉnh Nghệ An xác định, cây cao su là một thế mạnh và có hiệu quả kinh tế cao cần được quan tâm quy hoạch và đầu tư đúng mức. Giai đoạn 2010 - 2015, Nghệ An triển khai một loạt dự án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp tại địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân và doanh nghiệp. Theo đó, một trong những dự án lớn được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch là: Trồng và chế biến cao su, đưa diện tích cao su ổn định lên 22.000 ha, sản lượng mủ đạt 8.200 tấn vào năm 2015 và định hướng tính đến năm 2020.
Xác định việc đầu tư phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Nghệ An phù hợp với định hướng phát triển trồng cây cao su của Thủ tướng Chính phủ và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (CNCSVN), tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để trồng cho được trên 22.000ha cao su từ nay đến năm 2020. Được sự ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, từ tháng 6/2007, Tập đoàn CNCSVN đã tổ chức khảo sát thực địa, tìm hiểu về điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng thuộc vùng dự án trồng cao su và có văn bản đề xuất Dự án phát triển trồng cây cao su tại tỉnh Nghệ An. Đề xuất của Tập đoàn đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận và Công ty Cổ phẩn Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An được thành lập với nguồn vốn góp của doanh nghiệp địa phương và một số đơn vị thành viên của Tập đoàn CNCSVN. Sau khi có chủ trương của Tập đoàn CNCSVN, UBND tỉnh Nghệ An đã quy hoạch tổng thể 30.600ha đất để phát triển cao su, trong đó số diện tích cao su đã có ở các huyện miền núi và các nông trường là 7.000ha. Theo khảo sát của Tập đoàn CNCSVN và nhiều chuyên gia kinh tế kỹ thuật của ngành Nông nghiệp và PTNT thì ngoài vùng Phủ Quỳ, còn có nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc, đất rừng nghèo kiệt, sản xuất kém hiệu quả tại các địa phương như Anh Sơn, Yên Thành, Thanh Chương... phù hợp với cây cao su và cần được quan tâm khai thác đưa vào trồng cao su.
Chuẩn bị để thu hoach mủ cao su.
|
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quy hoạch, chuyển đổi đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, UBND tỉnh đã tiến hành bàn giao 1 số diện tích đất của Tổng đội TNXP 6 và Công ty Lâm nghiệp Yên Thành cho Công ty CPCS Nghệ An phát triển dự án theo đúng quy định của Luật đất đai. Đồng thời, Ban chỉ đạo phát triển Cao su của tỉnh cũng đã chỉ đạo công ty CP đầu tư phát triển cao su tiến hành ra soát hiện trạng đất, tài sản, lao động, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, vật tư, giống... để đầu tư trồng mới cây cao su sau khi Tỉnh phê duyệt quy hoạch. Ngay sau khi có diện tích, Công ty CP đầu tư, phát triển Cao su Nghệ An đã thành lập các đội sản xuất, nông trường cao su, sản xuất cây giống và triển khai trồng lô cao su đầu tiên tại các huyện Thanh Chương. Với mục tiêu hoàn thành tốt kế hoạch đề ra trên các địa bàn Thanh Chương, Anh Sơn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Quế Phong, công ty CP đầu tư, phát triển Cao su Nghệ An đã tích cực đầu tư kiến thiết về trồng mới cây cao su theo hướng đại điền.
Trong Đề án, Công ty đầu tư, phát triển cao su Nghệ An mới tính toán trồng trên diện tích trên 800ha trong diện tích thu hồi khoảng 4.600ha. Để đảm bảo trồng cao su theo kế hoạch đã được phê duyệt, công ty đã tiến hành khảo sát nhằm đánh giá khả năng phù hợp để trồng cây cao su. Đối với những diện tích độ dốc cao hoặc không phù hợp thì giao cho các hộ đội viên quản lý, sử dụng để bố trí trồng cây nguyên liệu, xây dựng phương án trồng xen canh trên diện tích đất nhận khoán trồng, chăm sóc cây cao su trong những năm đầu kiến thiết... để tạo điều kiện tăng thu nhập cho người lao động. Người lao động cũng được Công ty thực hiện và đảm bảo quyền lợi xã hội theo quy định của pháp luật về đất đai, lao động, bảo hiểm xã hội, y tế... Với phương châm là tuyển dụng lao động ngay tại chỗ, Công ty CP đầu tư, phát triển Cao su Nghệ An đã góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập nhiều con em ở các địa phương nằm trong vùng qui hoạch trồng cao su.
Thực hiện đề án phát triển vùng nguyên liệu cao su có quy mô tập trung với định hướng: tập trung phát triển cao su đại điền để thống nhất thâm canh theo các quy trình kỹ thuật của Tập đoàn CNCSVN, tháng 11/2009 UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định số 5990 phê duyệt quy hoạch bổ sung phát triển cây cao su tại Nghệ An trên địa bàn Công ty lâm nghiệp Anh Sơn với diện tích 4.666 ha. Trên cơ sở đó, Công ty CP đầu tư, phát triển Cao su Nghệ An đã xây dựng phương án tiếp nhận nguyên trạng diện tích đất rừng sản xuất, cán bộ công nhân viên, đội viên, tài sản của các đơn vị. Quá trình triển khai việc chuyển giao tổ chức cán bộ, đất đai, tài sản và hỗ trợ giải phóng mặt bằng của Công ty CP đầu tư, phát triển cao su Nghệ An đối với các đơn vị sáp nhập, các địa phương trong vùng qui hoạch đã được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Công ty đã luôn nêu cao trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đối với nhân dân trong vùng phát triển dự án được chính quyền các địa phương đánh giá cao.
Có thể khẳng định, cây cao su là một trong những cây công nghiệp dài ngày có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Dự án phát triển cao su trên địa bàn Nghệ An do công ty CP đầu tư phát triển cao su Nghệ An và quyết định số 1708 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch Phát triển cây cao su tỉnh Nghệ An không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội của cộng đồng dân cư trên địa bàn nơi có dự án. Tuy nhiên, có thể thấy, hiện nay việc phát triển cây cao su tại Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn do nguồn lực tài chính của các công ty nông, lâm nghiệp trong tỉnh còn hạn chế, đội ngũ nhân lực có trình độ còn thiếu, cơ chế chính sách trong đầu tư phát triển trồng cao su còn nhiều bất cập... cần được tháo gỡ và có định hướng chiến lược lâu dài.
Sau khi định hình diện tích trồng cao su của Công ty từ 5.000 – 7.000ha, trong chiến lược phát triển, Công ty sẽ xây dựng một nhà máy chế biến công suất 10.000 tấn/năm để đảm bảo ổn định cho vùng nguyên liệu, đồng thời bao tiêu sản phẩm và khai thác phát triển trồng cao su tiểu điển trong nhân dân. Vì vậy, trong thời gian tới, Công ty CP đầu tư, phát triển cao su Nghệ An sẽ tiếp tục đầu tư cho việc trồng cao su tiểu điền theo các hình thức liên doanh, liên kết, đầu tư vốn, giống hoặc bao tiêu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân quanh vùng. Đồng thời, tỉnh Nghệ An cũng có nhiều chính sách trong đẩy mạnh phát triển cây cao su theo cả 2 hướng tiểu điều và đại điền, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và từng bước giúp người lao động làm giàu.
Cây cao su là loại cây đa mục đích nên vừa có giá trị kinh tế, vừa có tác dụng bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cải thiện và nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động. Cây cao su cũng là cây đóng vai trò chủ đạo để tăng cường kim ngạch xuất khẩu và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, và là yếu tố thúc đẩy quá trình CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn ở Nghệ An. Và đó cũng là mục tiêu trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến và hướng tới xuất khẩu, Đảng và nhà nước ta đã xác định, cao su là một trong những thế mạnh của Việt nam thời kỳ hội nhập.
(Việt Anh)