Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cam Vinh sau 3 năm được cấp chỉ dẫn địa lý

10:15, 04/01/2011
Cam quả Nghệ An là một đặc sản lâu đời, có hương vị thơm, ngọt đặc trưng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Việc xây dựng cho đặc sản cam quả Nghệ An mang thương hiệu " cam Vinh" nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Thương hiệu này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào tháng 2/2007.

 

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý có thể là từ ngữ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Chỉ dẫn địa lý khẳng định danh tiếng và uy tín của sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng cho vùng đất có sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Cho đến nay, Việt Nam đã có 22 sản phẩm nổi tiếng được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý như: nước mắm Phú Quốc, chè San tuyết Mộc Châu, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, cà phê nhân Buôn Ma Thuột…. Sản phẩm cam quả của Nghệ An đã được cấp văn bẳng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Vinh từ tháng 5/2007.

 

Cục Sở hữu trí tuệ trao văn bằng chỉ dẫn cho Hội sản xuất và kinh doanh cam Vinh

 

Sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” có ba giống: Cam Xã Đoài, cam Sông Con và cam Vân Du. Do đặc điểm về giống, khí hậu, thổ nhưỡng mà cam Vinh có những đặc trưng hoàn toàn khác biệt, dễ dàng phân biệt với các loại cam khác. Quả cam Sông Con hình cầu hoặc ô-van, mẫu mã đẹp, vỏ mỏng bóng, ít xơ bã, ít hạt, vị ngọt thanh và chín sớm, khi chín có màu vàng đỏ. Lượng vitamin C trong quả đạt 34,2mg/100g, độ Brix (tức độ ngọt) đạt từ 9,5-10%. Trọng lượng quả trung bình khoảng 190-220g/quả, năng suất 40-50 tấn/ha.

 

Cam Vân Du quả hình trứng, vỏ dày hơn, ruột to, nhiều hạt, mọng nước và vị ngọt. Khi chín quả có màu vàng, vitamin C đạt khoảng 32,5mg/100g, độ brix từ 9-9,5%. Trọng lượng quả trung bình 200-300g, năng suất có thể đạt gần 70 tấn/ha.

 

Cam Xã Đoài có hai loại: hình quả nhót hoặc hình bầu tròn, chín muộn vào dịp Tết Nguyên Đán, khi chín ruột có màu đỏ vàng, mọng nước. Quả có hương thơm dịu và vị ngọt đậm. Lượng vitamin C trong 100g là 33,5mg, độ brix đạt từ 9-9,5%. Trọng lượng quả trung bình 180-200g, năng suất đạt 35-40 tấn/ha.

 

Các giống cam này được trồng tại vùng Xã Đoài (các xã Hưng Trung, Nghi Diên, Nghi Hoa thuộc ranh giới hai huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc) và vùng Phủ Quỳ (bao gồm các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp). Tổng diện tích trồng cam tại các vùng này là 1.976,94ha. Đây là những vùng tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Vinh” với các điều kiện tự nhiên đặc trưng. Nghiên cứu của Viện thổ nhưỡng nông hóa chỉ ra rằng đặc tính đất đai là yếu tố quan trọng tạo ra hương vị đặc trưng của cam Vinh. Đất tại các vùng Xã Đoài và Phủ Quỳ đều có độ chua, hàm lượng lân và kali tổng số, cacbon hữu cơ, mô lip đen, cô ban, hàm lượng sét... thích hợp với sự phát triển của cây cam, quyết định hương thơm và vị ngọt của quả cam. Ngoài ra, các yếu tố như lượng mưa, tổng số giờ nắng, nguồn nước, tập quán canh tác và chăm sóc cây cam của người dân từ lâu đời cũng là những yếu tố quan trọng.

 

Sản phẩm Cam Vinh

 

Để phát triển một chỉ dẫn địa lý cần có thời gian, lộ trình và sự tham gia tích cực của những người sử dụng chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, việc xây dựng các điều kiện để quản lý chỉ dẫn địa lý cũng là việc làm cần thiết. Đây chính là nội dung giai đoạn II dự án “Hỗ trợ xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu cam Vinh” do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ - Sở khoa học công nghệ Nghệ An chủ trì.

 

Việc xây dựng, được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm đã khó nhưng việc quản lý,  đảm bảo việc sử dụng chỉ dẫn địa lý thống nhất, đúng pháp luật và kiểm soát chất lượng để duy trì danh tiếng, uy tín của sản phẩm lại càng khó hơn, đặc biệt là khi cây cam được trồng ở nhiều địa phương, trên địa bàn rộng. Chính vì vậy, mô hình quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý cam Vinh được thiết lập một cách chặt chẽ đồng bộ từ cấp tỉnh đến hộ sản xuất – kinh doanh, bao gồm: Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An chịu trách nhiệm quản lý chỉ dẫn địa lý "Vinh"; Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường chất lượng Nghệ An là cơ quan kiểm soát chất lượng sản phẩm; Hội Sản xuất và Kinh doanh cam Vinh có trách nhiệm quản lý sản xuất- kinh doanh. Hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tính chất kinh tế - kỹ thuật của người sản xuất và kinh doanh cam ở Nghệ An, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết, hợp tác cùng giúp nhau trong sản xuất nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên. Từ tháng 11/2010, Hội chính thức được Sở KH-CN giao quyền sử dụng, quản lý chỉ dẫn địa lý Vinh cho sản phẩm cam quả với quy chế hoạt động cụ thể.

 

Ông Nguyễn Thiện Thành, xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp một hội viên Hội Sản xuất và Kinh doanh cam Vinh. Với diện tích hơn 2ha trồng toàn giống cam Xã Đoài, dự kiến năm nay, gia đình thu được gần 600 triệu đồng, trừ đi chi phí, có thể đạt đến 200 triệu đồng/ha. Có thể nhận thấy, việc tham gia Hội với sản phẩm cam quả mang thương hiệu cam Vinh đã mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Sau hơn 3 năm chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An được đăng bạ, có thể khẳng định: sản phẩm cam quả mang Chỉ dẫn địa lý Vinh với một một diện mạo mới, một hình ảnh mới đang từng bước lấy lại được uy tín, cũng như giá trị chất lượng đặc trưng vốn có trong lòng người tiêu dùng. Hiệu quả mang lại từ nghề trồng cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An được nâng lên rõ rệt, đời sống của người sản xuất cam thuộc vùng chỉ dẫn địa lý Vinh được nâng cao.

 

Cùng với các công tác tổ chức quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Vinh cho sản phẩm cam quả, quy trình kỹ thuật chuẩn về canh tác, bảo quản cam Vinh cũng được xây dựng để thống nhất áp dụng, đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng hệ thống nhận diện nhãn hiệu cũng được triển khai đồng bộ. Tem, nhãn sản phẩm, túi lưới, túi nilon, hộp carton… tất cả được thiết kế và sử dụng thống nhất. website camvinh.com.vn  được xây dựng để tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại. Năm 2009, sản phẩm cam Vinh đã chính thức có mặt tại hệ thống siêu thị Hapro Hà nội và đã thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Bình quân cứ 5 người tham quan gian hàng thì có 3-4 người mua cam Vinh, sản lượng tiêu thụ đạt từ 4-5 tạ/ngày. Việc mở rộng thị trường thông qua các hệ thống siêu thị trong nước được khách hàng đón nhận là minh chứng thực tế cho sự thành công của dự án "Xây dựng và quảng bá thương hiệu cam Vinh".

 

Chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả Nghệ An là tài sản Quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam . Đây là nông sản hàng hoá đầu tiện của Nghệ An xây dựng thành công thương hiệu. Thương hiệu "cam Vinh" không những mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng cam,  mà còn đưa đến các giá trị gia tăng về du lịch, môi trường, dịch vụ. Với việc quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý hợp lý, có hiệu quả, trong một tương lai không xa, nghề trồng cam ở Nghệ An có khả năng quay lại thời hoàng kim trước đây, khi cam Vinh không chỉ được lòng người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu hàng nghìn tấn ra nước ngoài. Phát triển thương hiệu Cam Vinh như một sản phẩm hàng hóa sẽ là một hướng đi đúng để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững của tỉnh nhà.

 

(Thùy An)