Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Những bước tiến trong công tác thu hút đầu tư tại Nghệ An giai đoạn 2005 - 2010

15:35, 04/01/2011
Trong chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 16, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết số 03 –NQ/TU về chương trình xúc tiến đầu tư gắn với phát triển nguồn thu ngân sách giai đoạn 2006–2010. Xác định đây là trong những yếu tố quan trọng nhằm đưa tỉnh phát triển, thời gian qua, các cấp các ngành của tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực

 

Để thực hiện thành công nghị quyết 03 – NQ/TU, thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa hoạt động xúc tiến đầy tư ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả. Đó là đã xây dựng và cập nhật các tài liệu xúc tiến đầu tư, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, danh mục các dựa án kêu gọi đầu tư; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án như cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Nghệ An; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tổ chức tốt các sự kiện xúc tiến đầu tư; ký kết các chương trình hợp tác kinh tế với các tỉnh; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh… Các loại qui hoạch và cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng được hoàn thiện. Bằng những giải pháp đồng bộ đó mà giai đoạn 2005- 2010, số lượng dự án và vốn tăng mạnh so với giai đoạn 2001 – 2005, một số dự án lớn có tỉnh đột phá, sử dụng công nghệ cao, hình thức đầu tư mới và đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tính từ năm 2006 cho đến hết năm 2010, Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 287 dự án với tổng số vốn trên 99.275 tỷ đồng. So với giai đoạn 2001 – 2005, số dự án tăng 2,78 lần, số vốn đăng ký tăng 3,65 lần. Trong đó, có 266 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 78.111 tỷ đồng, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với 21 dự án, số vốn 21.165 tỷ đồng. 

 

Nhà máy tình bột giấy Tân Hồng

 

Nhiều dự án có qui mô lớn, đóng góp ngân sách và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế như: chăn nuôi bò sữa và chế biến công nghiệp tập trung, thủy điện Bản Vẽ 320 MW, thủy điện Hủa Na, thủy điện Nhàn Hạc, Nhà máy bia Sài Gòn – Sông Lam, Tổ họp sân golf, khách sạn và biệt thự Cửa Lò, dự án sản xuất sắt xốp của công ty thép Kobe, Nhật Bản… Nhiều dự án cũng đã đầu tư vào các lĩnh vực xã hội hóa như bệnh viện Thành An – Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản quốc tế, trường Đại học tư thục Công nghệ Vạn Xuân, trường mầm non tư thục Blue sky Acedamy… Nhiều dự án sử dụng nhiều lao động, tạo nhiều việc làm như dệt may Hanosimex, sản xuất găng tay, đồ thể thao tại cụm công nghiệp Nam Giang, Nam Đàn. Đến nay, đã có 60 dự án với tổng số vốn 5.802 tỷ đồng đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Trong đó, các dự án lớn như: tổ hợp sân golf, khách sạn và biệt thự thị xã Cửa Lò, nhà máy bia Hà Nội – Nghệ An, nhà máy bia Sài Gòn – Sông Lam, nhà máy bao bì Sabeco, thủy điện bản Vẽ, khu du lịch sinh thái Bãi Lữ, bệnh viện Thành An – Sài Gòn, bệnh viện mắt Sài Gòn – Vinh, nhà máy bột giấy Tân Hồng. Về những giải pháp để đạt được kết quả thu hút đầu tư trong giai đoạn 2006-2010, ông  Hồ Đức Phớc – chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nghệ An đã triển khai đồng bộ các giải pháp với hệ thống sân bay, bến cảng, đường sắt, đường bộ thuận lợi. Các ngành phụ trợ như hệ thống ngân hàng đã kịp thời cung ứng và giải ngân vốn cho các nhà đầu tư, các dịch vụ về bưu chính, viễn thông, an ninh trật tự… và công tác CCHC được triển khai có hiệu quả đã góp phần thành công cho thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

 

Lễ khởi công xây dựng Bệnh viện phụ sản Quốc tế Vinh

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế về thông tin, tài liệu xúc tiến đầu tư chưa được cập nhật, đổi mới, chưa chủ động trong tìm kiếm các đối tác. Các dự án đầu tư đăng ký theo danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh còn ít. Nhiều sự án có qui mô nhỏ lẻ, chủ yếu chỉ tập trung vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, thủy điện, kinh doanh bất động sản… Việc sàng lọc để lựa chọn các dự án đầu tư và nhà đầu tư chưa chặt chẽ. Tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn đăng ký thấp, một số dự án triển khai chậm tiến độ. Quản lý nhà nước về đầu tư còn nhiều bất cập. Hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án đầu tư trong giai đoạn này chưa cao trong việc đóng góp ngân sách, tạo việc làm cho người lao động, sản phẩm mới để đột phá kinh tế. Một số dự án gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đế liên quan đến an sinh xã hội như di dân tái định cư, xử lý ô nhiễm môi trường. Ông Hồ Đức Phớc – chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian tới, Nghệ An sẽ từng bước tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp để hạn chế những tồn tại trên, bên cạnh đó cũng sẽ có nhiều hoạt động để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư: Nghệ An đã có bước đột phá từ nguồn vốn và công nghệ tiên tiến. Hiện, tỉnh đang tập trung nạo vét luồng của Cảng Cửa Lò cũ để các tàu có trọng tải cao hơn vào ra thuận lợi; xây dựng cảng biển nước sâu cách bờ khoảng 2km nhằm đón các tàu ở nước ngoài về lưu thông hàng hóa khu vực Bắc Trung bộ; hiện đại hóa sân bay Vinh; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng nhằm tạo ra quỹ mặt bằng sạch và tăng cường xúc tiến đầu tư.

 

Bằng những giải pháp này, Nghệ An đang phấn đấu trong giai đoạn 2011–2015, thu hút đầu tư đạt 80.000 đến 85.000 tỷ đồng. Trong đó các dự án thu hút đầu tư có định hướng và chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án, phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của Nghệ An.

 

(Mai Hương)