Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cho cánh rừng tươi xanh

15:13, 26/04/2011
Chiếm hơn 50% tổng diện tích đất tự nhiên, Nghệ An là tỉnh có đất rừng tương đối lớn so với cả nước. Những năm qua, các cấp ngành, địa phương có rừng đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ, phòng chống chữa cháy rừng. Tuy nhiên, trước những diến biến bất thường của thời tiết trong điều kiện đất rừng trồng của tỉnh ngày càng tăng thì công tác PCCR cũng ngày càng khó khăn, phức

 

Huyện Nam Đàn có hơn 7.400ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng đặc dụng chiếm gần 630ha, rừng phòng hộ hơn 163ha, còn lại là rừng sản xuất được phân bố tập trung ở 15 xã trên địa bàn. Đặc biệt với 2 khu di tích và là khu rừng đặc dụng có ý nghĩa rất quan trọng là Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ và khu đền thờ Vua Mai Hắc Đế. Cả 2 khu đều là rừng thông và có độ dốc cao và giáp ranh với rừng thông của 2 huyện là Hưng Nguyên và Thanh Chương. Ngoài ra, các khu rừng còn lại đều giáp ranh với các huyện như: Nghi Lộc, Đô Lương và Hương Khê (Hà Tĩnh). Vì vậy, nguy cơ xảy ra cháy luôn thường trực, nhất là vào mùa nắng nóng. Từ năm 2005 đến nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đề cao cảnh giác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng. Tuy nhiên, năm 2010, trong số 38 vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh thì riêng huyện Nam Đàn chiếm tới 10 vụ. Đây cũng là địa phương có số vụ cháy cao nhất trong toàn tỉnh. Ngoài nguyên nhân khách quan do nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng của cháy lan từ vùng rừng giáp ranh thì nguyên nhân chủ quan vẫn là do ý thức của người dân nói chung và chủ rừng nói riêng chưa cao. Theo ông Đinh Xuân Quế - Phó CTUBND huyện Nam Đàn, có một nguyên nhân khác là do lực lượng quản lý rừng phòng hộ quá mỏng, không quán xuyến hết nên phải khoán lại cho dân. Khi dân có mâu thuẫn thì lại sinh ra đốt rừng.

 

Để chủ động công tác PCCCR, hàng năm, các đơn vị, địa phương đều xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể cho đơn vị mình. Theo thống kê, trong năm 2010, toàn tỉnh đã xây dựng được 345 phương án tác chiến PCCCR các cấp. Mỗi phương án đều xác định phương châm 4 tại chỗ nhưng trên thực tế khi triển khai chữa cháy rừng tại các vùng rừng bị cháy vẫn còn nhiều lúng túng. Việc điều động lực lượng chữa cháy rừng tại nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các vụ cháy lớn. Việc phân công trách nhiệm không rõ ràng, phối kết hợp chưa tốt không những không đem lại hiệu quả cao mà còn gây lãng phí công sức, tiền của của nhà nước và nhân dân. Ngay như huyện Anh Sơn, ngoài lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự huyện thì trên địa bàn còn có Đồn biên phòng 557, trung đoàn 335, tiểu đoàn 14 luôn sẵn sàng phục vụ cho việc PCCCR. Mỗi khi xảy ra cháy rừng, được các xã phát hiện kịp thời và tổ chức lực lượng tại chỗ nhanh, song lực lượng trực tiếp chữa cháy chủ yếu vẫn là cán bộ xã, xóm còn người dân ít tham gia; nhiều vụ cháy chủ rừng đã không canh gác, dập tàn để xảy ra cháy lại.


Trong công tác chỉ huy chữa cháy một số địa phương còn lúng túng, bị động trong tổ chức triển khai lực lượng, vẫn ỷ lại vào các ngành chức năng; chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ huy điều hành dẫn tới chồng chéo, đông nhưng chưa mạnh… Về vấn đề này, ông Đinh Nho Trọng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Anh Sơn cho rằng: Khi có cháy lớn thì phải huy động nhiều lực lượng nên cần phải có sự chỉ huy tốt và sẵn sàng công tác hậu cần. Nếu không, hiệu quả đem lại sẽ không cao.

 

Để sẵn sàng cho công tác PCCCR, về phía Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thường xuyên duy trì trên 2.000 bộ đội luôn sẵn sàng thường trực để phối hợp với lực lượng kiểm lâm khi có yêu cầu. Ngoài ra còn cơ 3.000 đến 4.500 lực lượng dân quân tự tại các địa phương cùng với trên 3.000 quân thường trực của Quân khu, Bộ đóng trên địa bàn để huy động khi tỉnh yêu cầu. Chí tính riêng trong năm 2010, đơn vị đã huy động gần 18.000 lượt người và 237 lượt phương tiện tham gia chữa cháy rừng, trong đó có 7.000 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang của tỉnh. Nhờ đó, đã phần nào hạn chế được những thiệt hại do cháy rừng gây ra. Tuy nhiên, hiệu quả của việc phối hợp tác chiến chưa thực sự đạt như mong muốn, nhất là công tác hậu cần, chuẩn bị dụng cụ, nước uống và nước để chữa cháy.

 

Từ thực tế và những khó khăn cho thấy, để công tác bảo vệ và PCCCR thực sự đem lại hiệu quả, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, lấy phòng là chính. Nếu không may đã xảy ra cháy thì đơn vị, địa phương và nhân dân phải duy trì chế độ thường trực, phát hiện sớm những điểm cháy để tổ chức lực lượng chữa cháy kịp thời ngay khi đám cháy mới hình thành. Điều quan trọng là có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các lực lượng được huy động để đạt được hiệu quả cao nhất. Vấn đề này cũng đã được Ông Nguyễn Hữu Dũng Cục trưởng cục kiểm lâm nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác PCCCR năm 2010, triển khai nhiệm vụ năm 2011, đó là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nòng cốt, đặc biệt là lực lượng tại chỗ để phát huy trong công tác PCCCR.

 

Theo dự báo, năm nay, thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tình hình nắng nóng, khô hạn sẽ kéo dài và xảy ra trên diện rộng với cường độ cao, nguy hiểm. Vì vậy, các đơn vị, địa phương có rừng, đặc biệt là các chủ rừng phải luôn đề cao cảnh giác với “giặc lửa” với tinh thần: giữ rừng như giữ nhà. Có như vậy mới hạn chế được nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng năm nay.

 

(An Duyên)