Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Mây tre đan, hướng đi mới của người Khơ Mú

16:39, 23/04/2011
Những năm qua, nhờ nghề đan lát mây tre, cuộc sống của bà con người Khơ Mú đã dần bớt cơ cực. Đan lát mây tre dường như đã ngấm vào máu thịt và đã trở thành nghề truyền thống của người Khơ Mú. Tuy nhiên, nếu biết giữ gìn và khai thác triệt để và có sự đầu tư thích hợp thì nghề đan lát mây tre sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

 

Do phải di cư nhiều nên người Khơ Mú không có công việc ổn định, những vật dùng của họ chỉ được làm bằng tre, nứa và được đan sơ sài. Sau này, do chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Thái, người Khơ Mú đã biết dùng những vật dùng như người Thái. Từ quần, áo, váy, khăn, mâm mây, ghế ngồi và những vật dụng đan lát dùng thường ngày do họ tự làm cũng na ná giống của người Thái. Chỉ có điều, hoa văn và đường nét chưa thực sự tinh xảo. Ít ai biết được rằng để có được những chiếc mâm mây thật đẹp, người ta phải lặn lội vào tận rừng sâu, mỗi chuyến đi cũng mất vài ngày, mới chặt được những song mây đem về đan lát. Vất vả như thế, nhưng do làm ít, nên cuộc sống vẫn không dư giả được.

 

Đan mây tre góp phần ổn cư, nâng cao thu nhập cho người Khơ mú

 

Bản Na Nhắng có 57 hộ, chủ yếu từ xã Nậm Nhóng chuyển về đây theo chương trình dự án định canh, định cư. Mặc dù đã được Đảng, nhà nước đầu tư nhiều giống cây con, bày cho cách trồng cây lúa nước, nhưng vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, nên cuộc sống vẫn đói nghèo. Cả bản chỉ có vài ba hộ khá, điển hình như gia đình ông Mong Văn Thành, người có 40 năm tuổi đảng, từng là cốt cán khối đoàn thể của xã Nậm Nhóng. Năm 1995, gia đình ông chuyển về bản Na Nhắng, xã Tiền Phong. Từng tham gia công tác xã hội, nên ít nhiều ông học được cách làm của bà con người Thái. Vườn có bờ rào, bờ ruộng bậc thang xa ngút tầm mắt, trải dưới lòng thung, mà gia đình ông đã tự khai hoang, nên ít khi bị thiếu đói. Ấy vậy mà ông vẫn theo nghề mây đan. Vì đó là nghề đã giúp gia đình ông và cả những người Khơ Mú đổi lấy áo quần, chứ không phải đem lúa gạo đi đổi như xưa kia. Ông Thành tâm sự: Trước đây, người Khơ mú không biết thêu thùa, chỉ biết mỗi một nghề là đan lát. Những vật dùng làm được như ghế mây, cờ bẹm được  chúng tôi đem đi đổi lấy váy, quần áo, dày dép về dùng.

 

Hiện nay, bản Na Nhắng có 13 hộ làm mây đan chuyên nghiệp và hàng chục hộ làm đan lẻ rải rác. Sản phẩm làm ra tuỳ thuộc vào những lần đi rừng có hái được nhiều song mây hay không, nên thu nhập cũng khác nhau. Tuy nhiên từ nghề đan lát đã giúp người Khơ Mú có thêm nguồn thu. Ông Moong Văn Thành cho biết cho rằng: Trước đây, người Khơ mú không trồng cây, nhưng giờ phải trồng để cho con cháu hưởng sau này. Nhưng tôi cũng mới chỉ trồng hạt mây, 2 năm rồi cây vẫn chưa phát triển được là bao, nếu đem cây mây  nhỏ ở rừng về trồng chắc sẽ mau lớn hơn.

 

Từ chỗ nay đây mai đó, người Khơ mú đã ổn cư và tính đến chuyện trồng cây cho thế hệ sau này. Bà con bản Na Nhắng đã nhận thức được rõ hơn về giá trị cây song mây, thứ cây có thể thay cho lúa gạo, giúp các thế hệ người Khơ Mú cải thiện cuộc sống.  Vì vậy, việc phát triển nghề đan mây sẽ góp phần giữ gìn một nghề truyền thống bao đời của của người Khơ Mú.

 

(Hoàng Tím)