Phòng trừ bệnh chồi cỏ hại mía: Còn lắm gian nan
Theo ghi nhận của các nhà chuyên môn, triệu chứng của bệnh chồi cỏ là cây mía bị bệnh đẻ nhiều chồi, các chồi thường nhỏ, lùn, lá nhỏ và cổ lá xít lại với nhau. Các lá mới ra có màu xanh nhạt về sau thường có vết bẩn trên lá. Những bụi mía bị bệnh thường vẫn có một vài thân nhánh có thể cho thu hoạch nhưng năng suất và chất lượng giảm từ 10-100%. Tại Nghệ An, diện tích mía bị bệnh chồi cỏ tăng lên hàng năm. Cao điểm nhất là vào tháng 1/2010, diện tích bị nhiễm lên tới gần 7500ha. Dịch chồi cỏ đã làm cho năng suất mía giảm từ 59 tấn/1ha xuống còn 53 tấn /1ha. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến cho diện tích mía của Nghệ An giảm mạnh, từ gần 30.000ha năm 2007 xuống còn 23.000ha năm 2010. Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Thọ Cảnh- GĐ Sở NN Và PTNT Nghệ An cho rằng: Công nghiệp mía đường chiếm tới 1/3 ngành công nghiệp của Nghệ An cho nên bệnh chồi cỏ trên cây mía đã có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp của tỉnh nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung.
Nông dân phá bỏ diện tích mía bị bệnh |
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và hậu quả mà bệnh chồi cỏ mang lại cho người trồng mía cũng như các công ty mía đường, ngành Nông nghiệp đã vào cuộc quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp phòng chống dịch như cày phá, tiêu hủy diện tích mía bị bệnh và mua giống sạch bệnh để trồng mới. Tuy nhiên, việc xác định giống sạch chỉ hoàn toàn bằng cảm quan nên rất khó phát hiện ra nếu giống mía có bệnh tiềm ẩn. Chính bởi vậy nên diện tích mía nhiễm bệnh chồi cỏ vẫn không ngừng tăng lên. Trong vòng 3 năm 2009-2011, tỉnh Nghệ An đã phối hợp, chỉ đạo các công ty Nghệ An T&L; Công ty cổ phần mía đường Sông Con trong việc hỗ trợ kinh phí giúp nông dân tiêu hủy và nhổ bỏ được khoảng 18.300ha mía bị bệnh, trồng mới gần 5.000ha với kinh phí hơn 22,5 tỷ đồng. Hiện nay, việc đảm bảo an toàn cho vùng nguyên liệu là điều kiện sống còn của các Công ty chế biến mía đường. Bởi vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nói chung và bệnh chồi cỏ mía nói riêng, trong khi các nhà chuyên môn vẫn chưa tìm ra biện pháp phòng trừ hữu hiệu đã khiến các công ty này rất lo lắng. Kỹ sư Trần Doãn Lê - Phó phòng nguyên liệu, Công ty CP mía đường Sông Con mong muốn các nhà chuyên môn sớm đưa ra kết luận chính thức về bệnh chồi cỏ mía để Công ty có phương án xử lý phù hợp. Đồng thời, Nhà nước cũng cần phối hợp với công ty trong việc hỗ trợ giống cho nông dân tiêu tủy mầm bệnh.
Qua quá trình nghiên cứu, Viện bảo vệ thực vật thuộc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam đã xác định nguyên nhân gây bệnh chồi cỏ mía là do phytoplasma. Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ quan chuyên môn vẫn chưa tìm ra được môi giới truyền bệnh là vi rút hay vi sinh vật trung gian giữa vi rút và vi khuẩn gây ra. Vì vậy, chưa có biện pháp để phun diệt. Theo Giáo sư Vũ Triệu Mân - GĐ Viện nghiên cứu sức khỏe cây trồng nhiệt đới thuộc Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội thì đây là một loại bệnh truyền nhiễm và có quá trình tích lũy nguồn bệnh. Và điều đó cũng có nghĩa là, nếu như nguồn bệnh ở được phát hiện năm 2005 thì nguồn bệnh phải có từ trước đó. Ông cho rằng, bệnh chồi cỏ mía chắc chắn là do truyền qua hom giống. Vì thế, trước mắt, để hạn chế nguồn bệnh đi cùng với việc tiêu hủy những cây bị bệnh thì việc kiểm soát nguồn giống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để làm được điều này cần phải nghiên cứu và nhanh chóng thành lập được các trung tâm cung cấp giống đảm bảo chất lượng. Giáo sư Vũ Triệu Mân khẳng định: Việc xác định môi giới truyền bệnh là rất khó khăn, nhưng là bệnh được truyền qua hom giống vì thế cần có kiểm soát giống chặt chẽ. Để làm được điều này, người nông dân cũng phải nhập cuộc cùng các công ty và kiểm soát nguồn giống.
Qua quá trình nghiên cứu, theo dõi, năm nay, Chi cục BVTV Nghệ An đã phối hợp với Công ty cổ phần mía đường Sông Con đưa vào thử nghiệm phương pháp dùng thuốc diệt cỏ phun vào những gốc mía bị nhiễm bệnh chồi cỏ. Trước mắt, đã đem lại một số kết quả bước đầu tương đối khả quan, các bụi mía được phun đã héo vàng và chết. Vì vậy, tại hội thảo các nhà chuyên môn đề nghị tiếp tục theo dõi, thử nghiệm chi tiết hơn biện pháp này trong thời gian tới. Từ các ý kiến mang tính thực tiễn của các nhà khoa học cũng như các đại biểu tham dự, Hội thảo đã đi đến thống nhất các giải pháp, biện pháp nhằm quản lý và phòng trừ đối với bệnh chồi cỏ hại mía. Đó là: Tiêu hủy triệt để những cây bị bệnh; Siết chặt đầu vào giống mía, tổ chức quyết liệt, đồng bộ và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; nâng cao nhận thức cho nông dân về phòng trừ dịch bệnh, nghiên cứu thiết lập hệ thống sản xuất nguồn giống kháng bệnh và sạch bệnh; Nhà nước và nhân dân tăng cường chính sách hỗ trợ nông dân.
Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng cục bảo vệ thực vật nhấn mạnh: Mặc dù kết quả ban đầu của việc sử dụng biện pháp phun thuốc trừ cỏ đưa lại hiệu quả cao nhưng cần phải thử nghiệm chi tiết hơn. Cục cam kết sẽ sớm tìm ra môi giới truyền bệnh, từ đó đưa ra biện pháp phòng trừ hữu hiệu nhằm giúp ngành mía đường Nghệ An phát triển bền vững.
(An Duyên)