Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Quỳ Châu phát triển từ quy hoạch vùng sinh thái kinh tế

10:29, 20/04/2011
Quỳ Châu là huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An, nằm trong vùng kinh tế Phủ Quỳ, trung tâm của miền Tây Bắc Nghệ An. Huyện có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất và chế biến nông lâm sản, khai thác khoáng sản và tiềm năng du lịch.

 

Để khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đúng định hướng và phù hợp, huyện đã lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010 và đã giành được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhằm tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2020, khai thác thế mạnh của mỗi vùng, Quỳ Châu đã tập trung phát triển theo quy hoạch vùng sinh thái kinh tế.

 

Nằm ở vị trí trung gian, là nơi trung chuyển hàng hoá theo đường 48, cũng là nơi giao lưu văn hoá vùng Tây bắc của tỉnh, huyện Quỳ Châu còn có nguồn tài nguyên khoáng sản quý và nhiều di tích văn hoá - du lịch… Đây là những điều kiện để Quỳ Châu phát triển kinh tế bao gồm các ngành dịch vụ và du lịch góp phần tăng năng lực sản xuất khu vực phi nông nghiệp, thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại trong vùng và giữa vùng với các địa phương trong tỉnh.

 

Vùng trên gồm có các xã Châu Thuận, Châu Bính, Châu Tiến, Châu Thắng. Đây là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, chiếm 50% diện tích và sản lượng lúa toàn huyện. Vùng này tập trung thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm ổn định nguồn lương thực tại chỗ, kết hợp phát triển kinh tế rừng. Ngoài ra, vùng này còn là nơi chăn nuôi vịt bầu có quy mô đàn lớn. Đây là gia cầm đặc sản của Quỳ Châu, có giá trị kinh tế đã và đang được địa phương và nhân dân đầu tư, phát triển phục vụ xuất khẩu. 

 

Lễ Hội Thẳm Bua là điểm đến của du lịch Nghệ An

 

Bên cạnh đó, vùng trên còn có thế mạnh để phát triển du lịch mạo hiểm và du lịch sinh thái, du lịch văn hoá. Nổi bật là Lễ Hội Thẳm Bua - được công nhận là điểm đến của du lịch Nghệ An trong thời gian qua và làng nghề truyền thống Hoa Tiến chuyên sản xuất thổ cẩm. Nhằm khai thác lĩnh vực du lịch gắn với phát triền ngành nghề TTCN, huyện đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ xây dựng làng nghề thổ cẩm, tạo việc làm tăng thu nhập cho nhân dân.

 

Vùng trung tâm bao gồm thị trấn và xã Châu Hạnh. Đây là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của huyện, tập trung nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ, các loại dịch vụ thương mại. Hệ thống giao thông, thuỷ lợi và các công trình phúc lợi công cộng của thị trấn Tân Lạc đang từng bước được cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Nghề truyền thống làm hương trầm, các ngành nghề dịch vụ, thương mại, chế biến nông - lâm sản, buôn bán tổng hợp được đẩy mạnh đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời giải quyết đầu vào, đầu ra cho bà con các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, các địa bàn phụ cận thị trấn là xã Châu Hạnh, Châu Bình, Châu Tiến… còn có thế mạnh để phát triển các cơ sở chế biến đồ gỗ cao cấp, gỗ mỹ nghệ và lâm sản xuất khẩu.

 

Một vùng quy hoạch trồng rừng ở Quỳ Châu

 

Có thể nói lâm nghiệp là thế mạnh của huyện Quỳ Châu. Rừng Quỳ Châu lớn về diện tích, phong phú về chủng loại. Đặc biệt ngoài bảo vệ rừng nguyên sinh tốt phong trào trồng rừng nguyên liệu còn phát triển mạnh, nhất là ở các xã vùng dưới gồm Châu Bình, Châu Nga và Châu Hội.

 

Với quỹ đất lớn, nhân dân trong vùng phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Chỉ tính riêng xã Châu Bình đã có 172 trang trại VACR, thậm chí có nhiều gia đình trồng từ 30 đến 50 ha rừng. Bên cạnh đó, phong trào khai hoang mở rộng diện tích trồng mía nguyên liệu cho Nhà máy Đường Nghệ An Tate & Lyle cũng phát triển mạnh. Đến nay, vùng dưới đã có gần 1.000ha trồng mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy.

 

Các xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm là các xã thuộc quy hoạch vùng trong của huyện Quỳ Châu. Vùng này có trên 1 vạn dân sinh sống, diện tích 36.000ha, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Đây là vùng xa, những địa phương khó khăn nhất của huyện và đến nay khu vực này vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Đặc biệt, giao thông giữa các vùng này còn rất nhiều cách trở. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1,5 - 2% diện tích tự nhiên. Chính vì vậy, mục tiêu chủ yếu của vùng này là phát triển chăn nuôi gia súc có sừng, khoanh nuôi, củng cố và phát triển vốn rừng, trong đó có trên 11.000ha trong khu rừng đặc dụng Pù Huống.

 

Có thể nói, qua quá trình thực hiện theo quy hoạch vùng sinh thái – kinh tế, Quỳ Châu đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, nền kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá. Trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội đạt nhiều kết quả. Đời sống nhân dân được cải thiện, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; hệ thống chính trị được tăng cường, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, giữ gìn sự ổn định, phát triển.

 

Hương trầm là một nghề truyền thống của Quỳ Châu, đem lại thu nhập cao

cho người dân

 

Kinh nghiệm bước đầu thực hiện ở Quỳ Châu cho thấy, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách của nhà nước, huyện đã xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn và tốc độ phát triển của từng vùng sinh thái – kinh tế. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, địa phương đã chủ động, tích cực huy động các nguồn vốn vay, vốn đầu tư trong nước, nước ngoài. Đồng thời, chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách riêng của từng khu vực nhằm huy động sức mạnh tổng hợp giúp các xã nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, phát huy nội lực trong vùng và trong đồng bào các dân tộc...

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Quỳ Châu còn chậm phát triển, nhiều nơi còn lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập quán canh tác còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ khó khăn; sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển chậm; kết cấu hạ tầng còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của tỉnh. Một số nơi bản sắc văn hoá dân tộc đang bị mai một; hệ thống ở cơ sở một vài địa bàn còn yếu, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ còn hạn chế; một số cấp uỷ, chính quyền, mặt trận tổ quốc, và các đoàn thể nhân dân hoạt động hiệu quả chưa cao, nhất là vùng sâu vùng xa. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quỳ Châu từng bước khắc phục những khó khăn ấy.

 

Miền Tây Nghệ An được xác định là một trong ba trung tâm kinh tế động lực của tỉnh và đề án phát triển kinh tế - xã hội Miền Tây Nghệ An đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2005. Điều đó mở ra nhiều cơ hội và động lực để Quỳ Châu vươn lên. Với sự hỗ trợ có hiệu quả của Trung ương, của tỉnh, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ và nhân dân, Quỳ Châu sẽ khai thác hết tiềm năng, phát triển đúng tầm và góp phần sớm đưa vùng đất này giàu mạnh.

 

(Việt Anh)