Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Xanh rừng Quỳ Hợp

09:20, 22/04/2011
Trước năm 2000, rừng ở Quỳ Hợp còn rất phong phú, đa dạng với rất nhiều loại gỗ quý như lim, lát hoa, đinh hương, chò chỉ... Tuy nhiên, do tình trạng khai thác bừa bãi nên đến năm 2005, ở Quỳ Hợp đã có nhiều khu rừng bị tàn kiệt và gần như trở thành những vùng đất trống, đồi trọc. Trước thực trạng đó, những năm gần đây, Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp đã ra Nghị quyết và ban

 

Gần 15 năm gắn bó với nghề trồng rừng, gia đình ông Lê Văn Đậu ở bản Nguông, xã Châu Cường đã trở thành điển hình trong phong trào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa bàn huyện miền núi này. Năm 1997, khi người dân ở xã nghèo Châu Cường còn vật lộn, kiếm kế sinh nhai bằng việc đốt rừng, làm rẫy, buôn bán lâm sản thì ông Lê Văn Đậu đã mạnh dạn tìm cho mình một hướng làm ăn mới. Ý tưởng trồng rừng sản xuất của ông nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của Chính quyền từ cấp huyện đến xã. Diện tích rừng keo của ông Đậu phát triển dần từ 5-1oha, 20-30ha. 5 năm sau, khi rừng keo cho lứa thu hoạch đầu tiên, ông Đậu trở thành người giàu có trong bản.

 

Thành công của gia đình ông Đậu là một trong những động lực thúc đẩy bà con nhân dân xã Châu Cường mở hướng làm ăn mới. Thời điểm này, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng đã và đang được thực thi, đó là chương trình bảo vệ và phát triển rừng 661, chính sách hỗ trợ trồng rừng 147, chương trình trồng rừng thay nương rẫy... Bằng sự vào cuộc của chính quyền và các cấp ngành liên quan, phong trào bảo vệ và phát triển rừng ở xã Châu Cường nói riêng và huyện Quỳ Hợp nói chung đã được thúc đẩy một cách mạnh mẽ.

 

Những khu rừng nghèo kiệt sau 4 năm được cải tạo đã trở thành rừng giàu

 

Châu Cường là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Quỳ Hợp, với tỷ lệ đồng bào các dân tộc ít người chiếm 96%. Toàn xã có hơn 7.000ha diện tích đất lâm nghiệp. Những năm trước, đây là địa bàn có diện tích rừng bị tàn phá nặng nề. Trước thực trạng nói trên, Huyện ủy Quỳ Hợp đã ra nghị quyết và triển khai thực hiện đề án cải tạo rừng nghèo kiệt, trong đó chú trọng phát triển diện tích rừng ở địa bàn xã Châu Cường. Ngay sau khi đề án được triển khai, 100% các xóm ở Châu Cường đã nhận được đất rừng theo nghị định 163, tiến hành cải tạo diện tích rừng nghèo kiệt. Bằng sự vào cuộc của hệ thống chính quyền và các cơ quan lâm nghiệp như khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, hạt kiểm lâm, lâm trường Quỳ Hợp, tổng đội thanh niên xung phong, ban quản lý rừng phòng hộ..., bà con nhân dân xã Châu Cường đã trồng được hơn 700ha rừng mới, góp phần tăng độ che phủ của rừng Châu Cường từ 51 lên 55% trong năm 2010.

 

Trong nhiều năm liên tục, diện tích trồng rừng ở Quỳ Hợp đều vượt chỉ tiêu; năm 2007 thực hiện đạt 142% so với kế hoạch, năm 2008, trồng 2.422ha đạt 201% so với kế hoạch. Tính đến thời điểm hiện tại, Quỳ Hợp đã hoàn thành đề án cải tạo 3.000ha rừng nghèo kiệt thành rừng có giá trị kinh tế cao (giai đoạn 2007 -2011), trồng vượt chỉ tiêu 500ha.

 

Tăng cường công tác nhà nước, không chỉ có Hạt kiểm lâm, mà các đơn vị chức năng như: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Lâm trường Quỳ Hợp, Lâm trường Đồng Hợp, Ban quản lý dự án rừng phòng hộ, Tổng đội TNXP đã đồng loạt ra quân quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả. Thực hiện tốt chủ trương giao đất giao rừng, 27.496,6ha được giao cho 18.000 hộ dân. Khi rừng đã có chủ không chỉ phát triển nhanh, xanh tốt mà thực sự đã nghiêm cấm được người vào rừng chặt phá, trâu bò đạp gãy... Đồng thời huyện đã triển khai những phương án phòng chống cháy rừng cụ thể. Nhờ thế, trên địa bàn Quỳ Hợp từ nhiều năm qua không xảy cháy rừng gây thiệt hại lớn.

 

Một khu rừng keo 3 năm tuổi ở Quỳ Hợp

 

Một trong những đơn vị thực hiện tốt chủ trương bảo vệ và phát triển rừng ở Quỳ Hợp là BQL khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Xuất phát từ những khó khăn do điều kiện tự nhiên và xã hội ở địa bàn huyện miền núi Quỳ Hợp, BQL khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã xây dựng các chương trình bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học. Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương, khu BTTN Pù Huống đã thực hiện những chương trình dự án rừng nhằm tạo công ăn, việc làm ổn định, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Đề án giao khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ trồng rừng là một trong những việc làm tiêu biểu đó. Năm 2008, dự án bảo vệ rừng theo chương trình 661 và dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo quyết định 147 của Thủ tướng chính phủ được phê duyệt và triển khai thực hiện. Với dự án 661, trong thời gian 3 năm, khu BTTN Pù Huống đã cho 341 hộ dân vùng đệm quản lý khoanh nuôi, phục hồi 3.000ha rừng và giao khoán bảo vệ 500ha rừng khu vực dân cư. Dự án trồng rừng 147 đã hỗ trợ cho nhân dân thuộc 6 xã vùng đệm và liền kề vùng đệm trên địa bàn huyện Quỳ Hợp trồng mới hơn 1.250ha rừng sản xuất.

 

Việc triển khai thực hiện các chương trình dự án bảo vệ và trồng rừng đã giúp người dân địa phương có thêm công ăn việc làm, nguồn thu nhập ổn định lâu dài. Điều quan trọng hơn nữa là dự án trồng rừng đã tạo chuyển biến nhận thức một cách tích cực cho cả chính quyền và nhân dân địa phương, nhiều nơi trồng rừng đã trở thành phong trào lớn. Một bộ phận người dân trước đây do thiếu công ăn việc làm ổn định đã khai thác lâm sản trái phép thì nay lại tích cực bảo vệ, phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời bảo tồn da sạng sinh học ở khu BTTN Pù Huống. Theo thống kê của BQL khu BTTN Pù Huống, số vụ vi phạm pháp luật quản lý bảo vệ rừng năm 2010 trên địa bàn giảm mạnh, chỉ còn 40 vụ (bằng 49.3% năm 2009). Độ che phủ rừng của khu BTTN Pù Huống năm 2008 là 82.9%, đến năm 2010 đã đạt 84.6%, tăng 1.7% so với năm 2008. Đời sống của người dân vùng đệm những năm gần đây được tăng lên đáng kể.

 

Những năm gần đây, đã có thời điểm lâm trường Quỳ Hợp không sản xuất đủ cây giống phục vụ cho nhu cầu trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn. Đó không phải là một tin xấu mà ngược lại, là minh chứng cho sự phát triển nghề rừng một cách ồ ạt, quy mô ở Quỳ Hợp. Mặc dù diện tích vườn ươm, số lượng cây giống của lâm trường được tăng lên hàng năm một cách đáng kể, nhưng nhu cầu của người dân và các đơn vị tham gia phát triển rừng quá lớn nên vào vụ trồng cây, lâm trường đã phải thu mua cây giống ở các đơn vị khác. Nghề rừng ở Quỳ Hợp phát triển đã tạo nên một vành đai xanh hình vòng cung chạy suốt dặm dài gần một trăm cây số từ Yên Hợp giáp Quỳ Châu ôm lấy Châu Lộc, Châu Tiến, Châu Hồng, Châu Thành vào tận Bắc Sơn, Nam Sơn giáp Bình Chuẩn huyện Con Cuông, trở thành bức phên dậu thiên nhiên che chắn, góp phần bảo vệ cho vùng đất Quỳ Hợp được an toàn trong mùa mưa bão, đồng thời cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân huyện miền núi này.

 

Có thể thấy, bằng sự vào cuộc một cách đồng bộ và tích cực của chính quyền sở tại, nhân dân địa phương và các cơ quan hữu quan, huyện Quỳ Hợp đã thực hiện thắng lợi các chương trình bảo vệ và phát triển rừng - một trong những mục tiêu quốc gia đang được quan tâm. Phong trào xã hội hóa nghề rừng đã và đang được đẩy mạnh ở huyện miền núi Quý Hợp, mở ra một hướng phát triển kinh tế đúng đắn, mang nhiều lợi ích kinh tế và xã hội.

 

Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Quỳ Hợp đã có những bước chuyển mình phát triển bằng nguồn nguyên liệu quý của chính địa phương. Nguyên liệu ấy là rừng và cũng là sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện Quỳ Hợp. Màu xanh Quỳ Hợp đang hóa vàng, bởi “rừng là vàng, nếu chúng ta biết bảo vệ thì rừng rất quý”.

 

(Ngọc Dũng)