Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Báo động tình trạng hàng giả, hàng nhái ở Kỳ Sơn

15:50, 05/05/2011
Kỳ Sơn là huyện miền núi rẻo cao nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh gần 300km. Nơi đây hàng hóa, nguồn lương thực và thực phẩm chủ yếu nhập từ miền xuôi đưa lên. Lợi dụng trình độ dân trí thấp, cuộc sống người dân còn nghèo nàn nên một số đối tượng đã tuồn các mặt hàng trong đó có một số loại hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng vào địa bàn

 

Dạo quanh khu vực chợ Trung tâm thị trấn Mường Xén, hầu hết các ki ốt kinh doanh đều bày bán các mặt hàng như tương ớt, bánh kẹo, xà phòng nhái, mì chính kém chất lượng hoặc hàng nhựa tái sinh… vẫn ngang nhiên bán cho người tiêu dùng. Những mặt hàng này giá cả rất rẻ nên được khá nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Thực tế trên cho thấy, thị trường nông thôn miền núi, không chỉ riêng chợ miền núi huyện Kỳ Sơn, đã và đang là “cái túi” chứa và là nơi tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhiều nhất. Lợi dụng vào trình độ dân trí thấp và sự thiếu thông tin về sản phẩm của bà con nông dân, nhiều tư thương đã bất chấp thủ đoạn, tìm mọi cách để đưa hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng bày bán ở chợ. Chị Xồng Y Chia bản Tiền Tiêu xã Nậm Cắn huyện Kỳ Sơn cho biết: Mình ở Nậm Cắn xuống chợ Mường Xén mua hàng, đi chợ mua xà phòng, mì chính, mua đôi ủng đi rẫy. Mình cũng có nghe nói đến hàng giả có bán ở chợ nhiều nhưng mình không biết cái nào giả, cái nào thật, vì nhìn cái nào cũng giống như nhau cả, cái nào rẻ thì mình mua về dùng thôi.

 

Nhiều mặt hàng kém chất lượng thường xuyên xuất hiện các tại các chợ ở huyện Kỳ Sơn

 

Thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa như huyện Kỳ Sơn chiếm số lượng lớn tiêu thụ hàng hóa nhưng đang tồn tại nghịch lý: Hàng tốt đều dành cho xuất khẩu hoặc thị trường thành thị, còn hàng lỗi, hàng xấu thì đưa về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tâm lý của người tiêu dùng thành thị và nông thôn cũng có sự khác biệt lớn. Với bà con người dân miền núi thì mua gì, dùng gì phần lớn phụ thuộc vào sự gợi ý của người bán hàng. Họ chỉ quan tâm đến sản phẩm đó có phù hợp với túi tiền của mình hay không? Bởi vậy, giá rẻ là tiêu chí hàng đầu, sau mới là chất lượng. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng mặc sức tung hoành từ những mặt hàng có giá trị thấp như bánh kẹo, nước giải khát đóng chai… đến hàng hóa có giá trị cao như hàng may mặc, đồ gia dụng, thuốc bảo vệ thực vật, phụ tùng xe máy, điện thoại di động… bày bán ở chợ huyện. Trào lưu dùng hàng kém chất lượng cũng đã tạo nên một thói quen tiêu dùng dễ dãi, dần dần đánh mất bản sắc văn hóa và nguy hại cho sức khỏe đang lan nhanh ở các chợ miền núi. Chị Xã Thị Hường bán hàng ở chợ thị trấn Mường Xén thú nhận: Là người bán hàng, tôi cũng biết bán hàng kém chất lượng, hàng nhái thì có ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân. Nhưng người mua vẫn biết hàng đó là kém chất lượng mà vẫn mua vì giá cả rẻ hơn, phù hợp với túi tiền của người dân hơn. Bây giờ giá cả tăng nên đồng tiền đối với dân là khó khăn, chúng tôi cũng không biết nói như thế nào cả.

 

Để đảm bảo quyền lợi và sức khoẻ cho người tiêu dùng, nhất là thị trường các chợ miền núi Kỳ Sơn ngoài việc nâng cao ý thức của người dân trong việc lựa chọn hàng hoá, thực phẩm cho gia đình thì cần hơn hết sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và đội quản lý thị trường để có biện pháp ngăn ngừa xử lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường chặt chẽ, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh trên địa bàn huyện.

 

(Hồng Thoa)