Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghi Lộc: Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

16:57, 30/05/2011
Những năm gần đây, cơ cấu cây trồng đã được các địa phương ở Nghi Lộc chuyển đổi khá mạnh. Nhiều loại cây trồng mới được đưa vào sản xuất đã cho thu nhập cao, được nhân dân hưởng ứng và nhân ra diện rộng.

   

Vùng đồng đất bên đập Ồ Ồ thuộc xóm 4, xã Nghi Đồng xưa nay vốn là vùng đất cằn sỏi đá. Người nông dân dẫu cố gắng đầu tư công sức thì cũng chỉ cho thu hoạch 50 – 60kg thóc/ sào và cây lạc trồng trên đất này cũng chẳng hơn là bao. Cuối năm 2009, được Trạm khuyến nông khuyến ngư huyện giới thiệu, chính quyền xã Nghi Đồng đã mời gọi Công ty Stevia Miền Trung vào đây đầu tư trồng cây cỏ ngọt. Đây là loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Mỗi sào cỏ này cho thu nhập 8 - 10 triệu đồng, hơn nhiều lần so với các cây trồng trước đây trên cùng diện tích. Hơn thế nữa, có 60 lao động thường xuyên được việc làm tại đây. Thu nhập bình quân đạt 1,3 đến 1,6 triệu đồng một người một tháng.      

 

Hầu hết, các địa phương ở Nghi Lộc đã khai thác tối đa tiềm năng lợi thế đất màu để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Ngoài những cây trồng truyền thống như lạc, vừng, ngô đông… thì các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, cây dược liệu, rau củ quả được đưa vào và mở rộng. Từng bước hình thành các vùng chuyên sản xuất rau hàng hóa quy mô lớn như vùng sản xuất dưa hấu tập trung tại Nghi Long: 45ha, Nghi Thịnh: 25ha, Nghi Hợp: 15 ha. Các cây trồng khác như ớt cay, cây dược liệu, nhân trần, hành tăm tại các xã Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Đồng cũng có diện tích khá lớn.

 

Tuy nhiên, để mở rộng sản xuất theo hướng chuyên canh, hầu hết các địa phương đã thực hiện mối liên kết bốn nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. UBND huyện, xã ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất. Trạm khuyến nông khuyến ngư huyện, ban khuyến nông xã tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân. Các công ty đảm nhân phần thu mua sản phẩm. Ở xã Nghi Long, khi địa phương đưa cây dưa hấu vào trồng, việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Nhưng qua sản xuất mô hình với cơ chế hỗ trợ thích hợp của chính quyền cũng như sự vào cuộc của nhà khoa học và doanh nghiệp, cây dưa đã phát triển mạnh trong các vụ hè thu.

 

Từ những mô hình khảo nghiệm, nay các loại cây trồng được khẳng định có giá trị cao, thị trường ưa chuộng đã được nông dân Nghi Lộc áp dụng vào sản xuất đại trà. Hàng năm, toàn huyện gieo cấy trên 3.000ha lúa lai bằng các giống có năng suất cao, gạo ngon như Syn6, BIO404, NH2308, BTE1. Các cây màu như dưa hấu Hắc Mỹ Nhân, dưa chuột Thái, bí đao, súp lơ, su hào, cỏ ngọt… ngày càng mở rộng. Việc đưa các giống cây mới vào sản xuất được gắn với xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao. Hiện, trên địa bàn Nghi Lộc có 1.000ha đất màu cho thu nhập mỗi năm đạt 80 – 100 triệu đồng/ha. Riêng đất hai lúa cũng cho thu nhập bình quân 35 triệu đồng/ha, tăng 11 triệu đồng/ha so với năm 2005. Trạm khuyến nông khuyến ngư huyện – đơn vị làm nhiệm vụ chuyển giao KHKT cho nông dân đã đóng góp quan trọng trong kết quả này. Bà Hồ Thị Bích Lam – trưởng Trạm KNKL Nghi Lộc cho biết: Thời gian tới, Trạm sẽ tư vấn cho nông dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm cây trồng phù hợp trên mảnh đất của mình sản xuất có hiệu quả. Từ đó, Trạm sẽ tập huấn cho nông dân trồng những giống cây mới, tổ chức cho nông dân đi tham quan các mô hình. Khi xây dựng, Trạm còn tổ chức hội thảo đầu bờ để nhân dân đúc rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. 

 

Diện tích cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm ở Nghi Lộc tuy mới đạt 35% đất canh tác trên địa bàn huyện. Song, những kết quả bước đầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong những năm qua sẽ tạo đà để Nghi Lộc tiếp tục mở rộng trên địa bàn. Đây cũng là nội dung quan trọng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương trong những năm tiếp theo.

 

(Nhật Tuấn)