Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Phát triển chăn nuôi ở một vùng chiêm trũng

17:12, 14/05/2011
Mặc dù dân số không đông nhưng ngành chăn nuôi ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu phát triển mạnh. Tại thời điểm này, tuy giá vật tư, thức ăn chăn nuôi lên cao, thời tiết không thuận nhưng ở Diễn Nguyên vẫn có 100% số gia đình nuôi từ 5 đến 25 con lợn, từ 40 đến 100 con gia cầm/hộ.

 

Xã Diễn Nguyên có 1.450 hộ, 420ha đất canh tác, trong đó có 384ha đất 2 vụ lúa. Với thế mạnh của một địa phương có bình quân diện tích đất trồng trọt tính theo nhân khẩu nhiều nhất huyện, bà con lương giáo Diễn Nguyên luôn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm. Xã tuyên truyền hướng dẫn nhân dân làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường nông thôn bằng cách chọn con giống đến chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh và xây dựng chuồng trại xa nhà ở đúng quy cách, hợp vệ sinh. Từ năm 2000, xã đã đưa chương trình xây bể khí sinh học, chọn 45 hộ nuôi lợn có tỷ lệ nạc cao để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Đây cũng là xã đầu tiên của Diễn châu thành lập câu lạc bộ những người nuôi lợn hướng nạc, nuôi bò lai sin, gà thả vườn với sự tham gia của hàng nghìn hội viên Hội nông dân, Phụ nữ, Người cao tuổi. Xã liên kết với trạm thú y huyện mở hàng chục lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT về chăn nuôi theo hướng gia trại, trao đổi toạ đàm tại xóm để bà con đề đạt, kiến nghị, tranh luận liên quan đến công tác chăn nuôi, tìm nơi tiêu thụ nông phẩm sau khi thu hoạch. Chương trình nuôi lợn hướng nạc, trồng nhiều lúa lai, sin hoá đàn bò trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong toàn xã, bình xét danh hiệu cho các chi bộ đảng, các đoàn thể quần chúng ở xóm.

 

Được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, đến nay, toàn xã đã có hơn 700 hộ làm được bể khí bi ô ga (nhiều nhất tỉnh), chiếm 50% số hộ có bể khí sinh học để thắp sáng, phục vụ chăn nuôi, làm vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra, xã còn đấu thầu ao đầm ruộng trũng và hướng dẫn nhân dân tận dụng đất bìa làng để đưa chuồng ra đồng chăn nuôi theo hướng gia trại, làm kinh tế VAC. Đến nay  xã đã có 650 hộ chăn nuôi theo quy mô 30 đến 100 con lợn, từ 200 đến 500 con gà vịt. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản, tạo ra cánh đồng chuyên canh mỗi năm 2 vụ lúa, 1 vụ màu, hoặc nuôi cá lúa cho thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng/ha với diện tích 200ha. Trong đó 25ha ao đầm, cá lúa thu hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Hơn 60% số hộ đào ao, thả cá, lấy nước tưới cho cây ăn quả, cây lưu niên, với diện tích từ 300 đến 400m2. Xung quanh bờ ao trồng chuối tạo thức ăn tươi cho lợn, dưới tán cây vườn nuôi gà sinh sản. Rơm rạ sau khi thu hoạch được phơi khô chất thành đống để làm thức ăn dự trữ cho trâu bò trong những ngày đông tháng giá.

 

Chăn nuôi phát triển nhưng không để dịch bệnh xẩy ra là điều mà lãnh đạo xã luôn trăn trở, tìm giải pháp giúp dân chăm sóc, phòng ngừa sao cho có hiệu quả. Ngoài việc chỉ đạo các đoàn thể quần chúng tín chấp ngân hàng vay mỗi năm từ 1 đến 2 tỷ đồng để giúp hộ nghèo xây bể khí sinh học, xây dựng chuồng trại, mua con giống, vật tư phân bón. Xã duy trì đội ngũ cán bộ thú y 10 người, trong đó phần đông có trình độ trung cấp chuyên ngành, đảm bảo xóm nào cũng có cán bộ thú y tinh thông nghiệp vụ. Xã và các xóm thực hiện tiêm phòng định kỳ vào thời điểm thích hợp, nhất là khi thời tiết diễn biến xấu và tuỳ thuộc vào độ tuổi từng vật nuôi. Xóm thôn nào cũng tổ chức làm tổng vệ sinh đường làng, thau chua xả phèn, tiêu độc khử trùng mỗi tháng một lần, xây dựng bãi đổ rác thải tập trung cách khu dân cư 1km. Xây dựng hệ thống rác thải hợp lý và thường xuyên rải vôi bột, phun hoá chất tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại. Xã động viên khuyến khích những gia đình có tiềm lực kinh tế, nuôi nhiều gia súc bỏ tiền ra mua máy xay xát thóc, nghiền thức ăn chăn nuôi, mở đại lý cung ứng vật tư phân bón, các loại thức ăn tinh giàu đạm. Đến nay, bình quân mỗi xóm có từ 3 đến 5 máy cày đa chức năng, máy tuốt lúa, từ 2 đến 3 hộ sắm máy xay xát, nghiền thức ăn chăn nuôi và làm dịch vụ chăn nuôi, thú y.

 

Lý giải vì sao Diễn Nguyên phát triển chăn nuôi gia trại bền vững, ông Cao Xuân Mai, chủ tịch UBND xã cho biết: Đến vụ xuân 2011 này, toàn xã có hơn 850 hộ làm bể khí biôga, mua được máy cày đa chức năng, máy tuốt lúa, nghiền thức ăn chăn nuôi đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng, giải phóng sức lao động. Do vậy, mặc dù ở một số xã lân cận đã xuất hiện dịch bệnh, nhưng trên địa bàn Diễn Nguyên 2 năm qua không xẩy ra dịch bệnh đối với vật nuôi. Năm 2011, xã có tổng đàn gia súc gần 6.000 con, trong đó có 667 con trâu bò và đàn gia cầm hơn 22.000 con, tổng thu nhập từ chăn nuôi là 18 tỷ đồng.

 

Nhờ phát triển chăn nuôi gia trại bền vững, xã có đủ phân chuồng và sức kéo để làm đất đổ ải, thâm canh lúa đạt năng suất 13 đến 14 tấn/ha. Sản lượng lương thực mỗi năm từ 4.800 đến 5.000 tấn. Toàn xã có 60% số hộ chăn nuôi, trồng trọt giỏi có của ăn của để, làm được nhà cửa khang trang.

 

(Hoài Thung)