Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Quỳ Châu phát triển trồng rừng nguyên liệu

09:35, 16/05/2011
So với các huyện miền núi của Nghệ An thì lâm nghiệp được xác định là một thế mạnh của huyện Quỳ Châu. Rừng Qùy Châu được phân bố thành 3 giải lớn và phong phú về chủng loại. Chính vì thế, một trong những mục tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 nhiệm kỳ 2011-2015 đã xác định đầu tư và phát triển rừng nguyên liệu là ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Diện tích đất lâm nghiệp có rừng ở Quỳ Châu có gần 77.000ha, chiếm 72% diện tích đất tự nhiên. Ðã có thời điểm, rừng Quỳ Châu bị tàn phá do nạn phá rừng làm nương rẫy. Nhưng do đẩy mạnh công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, nên trong những năm gần đây, rừng được tái sinh nhanh, độ che phủ đạt xấp xỉ 70%. Thêm vào đó, khí hậu và đất đai của Quỳ Châu rất thích hợp để trồng các loại cây đặc sản quý hiếm nên càng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế rừng, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

 

Quỳ Châu phấn đấu nâng độ che phủ của rừng lên 80% vào năm 2020

 

Thực hiện chương trình 661, trong những năm qua, huyện Quỳ Châu đã tiến hành định canh định cư giao đất giao rừng cho nhân dân quản lý bảo vệ để phát triển  rừng, trồng rừng. Chính vì thế  diện tích rừng trồng hàng năm ở địa phương đều tăng, Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm, huyện trồng mới được từ 600 - 800ha rừng tập trung, 60.000 - 85.000 cây phân tán, khoanh nuôi bảo vệ 20.000 - 25.000ha rừng.

 

Nếu cách đây năm, sáu năm về trước, phong trào trồng rừng nguyên liệu đang ở dưới dạng mô hình, diện tích chỉ tính bằng héc ta thì đến nay trồng rừng nguyên liệu đã phát triển khắp nơi trong huyện Quỳ Châu. Mỗi năm đã trồng mới từ 200 - 300ha và đến năm 2010 vừa qua, diện tích rừng tập trung đạt 6.200ha, trồng mới 4.500ha rừng nguyên liệu gồm các loại cây chủ lực như keo lai, tre , mét và các cây bản địa có giá trị kinh tế cao ở các xã Châu Bình, Châu Hội, Châu Hạnh và Châu Bính.  Theo tính toán của các hộ trồng rừng nếu giá bán nguyên liệu như hiện nay thì mỗi ha rừng trồng nguyên liệu đến kỳ thu hoạch trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha/năm. Trừ chi phí giống, phân bón, công lao động và lãi suất vay vốn ngân hàng khoảng 20 triệu đồng, còn lãi 40 triệu đồng. Chưa kể thu nhập từ các loại cây trồng xen khi rừng chưa khép tán như rễ hương, sắn, dứa... Như vậy, bình quân mỗi năm lãi hơn năm triệu đồng/ha mà chỉ mất công trồng và chăm sóc trong ba năm đầu, những năm còn lại chỉ phải bảo vệ. Ðây thật sự là một khoản lãi khá lớn trong sản xuất lâm nghiệp.

 

Để công tác trồng rừng, đặc biệt là rừng nguyên liệu đạt hiệu quả cao, Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Quỳ Châu thường xuyên vận động nông dân trồng rừng, bảo vệ rừng; tuyên truyền định hướng cho nông dân, nhất là bà con các dân tộc tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh trồng rừng, chuyển từ trồng rừng đơn giản sang trồng rừng kinh tế…

 

Được hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích đối với nông dân trồng rừng của tỉnh như: hỗ trợ 50% giá cây giống, với định mức giao mật độ trồng rừng 1.700 cây/ha và hỗ trợ cho người trồng rừng 400.000 đồng/ha cho những diện tích đất trồng rừng (nằm trong vùng quy hoạch), dự án FDI trồng rừng nguyên liệu giấy cho Công ty Innov Green Nghệ An, thuộc Tập đoàn Green Elite (Trung Quốc), với mức đầu tư lên tới 60 triệu USD. Đặc biệt dự án trồng 190.000ha rừng nguyên liệu được thực hiện ở bốn huyện vùng cao Nghệ An: Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn... Ðối với Quỳ Châu, dự án này sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, làm cho nhiều người lao động ở các huyện quy hoạch vùng nguyên liệu sẽ có thêm việc làm và thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân, giảm diện tích đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường...

 

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì việc trồng rừng ở Quỳ Châu cũng đang gặp khó khăn, do địa phương thiếu vốn và giống cây rừng. Cần khuyến khích, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, tham gia xây dựng các nhà máy chế biến tiêu thụ nguyên liệu gỗ cho bà con nông dân. Ðồng thời liên kết các thành phần kinh tế thu hút các hộ gia đình tham gia trồng rừng nguyên liệu, tạo việc làm, tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo từ phát triển kinh tế rừng.

 

Trồng rừng, đặc biệt là rừng nguyên liệu đang là cơ hội để tăng nguồn thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc miền núi ở Quỳ Châu. Vì thế, khắc phục khó khăn bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đến địa phương đầu tư trồng rừng, gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ rừng là một hướng đi lâu dài cần được phát huy. Có như vậy, Quỳ Châu mới thực hiện thành công mục tiêu  trồng mới 600 - 800ha rừng tập trung mỗi năm, trong đó trồng rừng nguyên liệu 300 - 500ha, nâng độ che phủ của rừng lên 80% vào năm 2020.

 

(Lê Thủy)