Thanh Chương: Hướng đi mới trong phát triển trâu bò hàng hóa
(Ảnh minh họa)
|
Đánh giá kết quả qua 5 năm thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa (giai đoạn 2006-2015) của huyện Thanh Chương cho thấy: Mặc dù đã được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ngành, đoàn thể cũng như được một số chương trình, dự án cùng những cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhưng đến nay, đàn trâu bò của huyện vẫn tăng không đáng kể. Đến cuối năm qua, tổng đàn trâu bò của huyện có gần 85.000 con, tăng 24,6 % so với năm 2006 và chỉ đạt 70,5% so với chỉ tiêu đề ra. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trâu bò chỉ chiếm hơn 21% trong ngành chăn nuôi của huyện với giá trị sản xuất ước đạt 52,6 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với kế hoạch đề ra.
Khó khăn lớn nhất khiến cho việc triển khai thực hiện đề án phát triển trâu bò hàng hóa ở Thanh Chương không đạt mục tiêu đề ra, theo ông Phan Đình Hà - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, trước hết là do tư tưởng, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của đại bộ phận người dân. Phần lớn nhân dân hiện nay chăn nuôi trâu bò cốt chỉ mang tính kiêm dụng mục đích lấy sức kéo là chính trong khi nhận thức của họ về kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, công tác phòng trừ dịch bệnh chưa được chú trọng, chậm áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên hiệu quả đem lại chưa cao. Vấn đề vốn đầu tư và một số điều kiện khác phục vụ cho phát triển trâu bò hàng hóa cũng là một trở ngại lớn đối với nhiều hộ dân muốn phát triển nghề này. Mặc dù trong 5 năm đã có gần 1.200 hộ được tham gia vay trên 11 tỷ đồng vốn để mua được trên 3.200 con trâu bò nhưng trên thực tế, số tiền này mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ so với nhu cầu của người dân. Ông Phan Đình Hà cho rằng: Chăn nuôi trâu bò đòi hỏi phải có vốn lớn, có điều kiện cụ thể về đất đai, chuồng trại, lao động, sức kéo…nên việc chăn nuôi trâu bò hàng hóa đơn thuần lấy thịt gặp những khó khăn nhất định.
Mục tiêu mà Đề án đặt ra là đưa tổng đàn trâu bò từ gần 68.000 con năm 2006 lên 120.000 con vào cuối năm 2010 không đạt. Nhưng theo khẳng định của ông Hà thì chất lượng đàn trâu bò của huyện đã được tăng lên đáng kể, đặc biệt là đối với đàn bò lai Zêbu. Trong khi trọng giống bò bản địa chỉ nặng khoảng 180 - 200kg thì bình quân trọng lượng của bò Zê-bu lên tới 500 đến 600kg. Ưu điểm của giống bò lai này là thịt ngon hơn vì có hàm lượng đạm cao hơn bò bản địa. Vì thế, khi thực hiện việc lai giống giữa bò địa phương với giống bò Zê-bu, thì bò bản địa sẽ có tầm vóc, cân nặng lớn hơn từ 50 đến 70kg.
Trong số gần 48.000 con bò hiện có trong tổng đàn trâu bò của huyện Thanh Chương thì số bò lai Zêbu đã chiếm tới gần 27.000 con, so với thời điểm xây dựng đề án đã tăng gần 64%. Để có được kết quả này, huyện đã đề ra chính sách hỗ trợ tiền công, bình tuyển để phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Cùng với đó, hàng năm huyện đều tổ chức Hội thi “Người chăn nuôi bò lai Zêbu giỏi” nhằm khuyến khích động viên các hộ chăn nuôi. Qua đó, không những lựa chọn được những con bò đẹp về ngoại hình để trao giải cho chủ nhân mà còn lựa chọn được nguồn giống bố mẹ có khả năng để tạo giống lai có chất lượng tốt. Trong vòng 5 năm, huyện đã hỗ trợ gần 400 triệu đồng tiền vật tư để phối giống thành công gần 6.000 con bò Zêbu có chửa, góp phần tăng nhanh đàn bò lai trên toàn huyện và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi. Về vấn đề này, ông Phan Đình Hà khẳng định: Tuy tổng đàn không đạt nhưng chất lượng đàn trâu bò được nâng lên rõ rệt, nhất là đàn bò lai Zê bu, đó là dấu hiệu đáng mừng nên huyện sẽ đưa ra giải pháp phù hợp cho năm năm tiếp theo.
Qua 5 năm thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa và những bài học kinh nghiệm được rút ra, huyện Thanh Chương đang tìm cho mình hướng đi phù hợp trong phát triển chăn nuôi bằng việc tập trung đẩy nhanh chương trình phối giống đàn bò lai Zêbu. Từ đó, không những tận dụng được tiềm năng, lợi thế của địa phương mà còn góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong những năm tới.
(An Duyên)