Tương Dương phát triển chăn nuôi đại gia súc
Trong những năm qua, Tương Dương đã tập trung thực hiện các chương trình 30a, 135, chương trình Sind hoá đàn bò do UBND tỉnh hỗ trợ, vay vốn nuôi bò sinh sản do tổ chức OXFAM Hồng Kông tài trợ, xây dựng các mô hình trồng cỏ vỗ béo trâu, bò do dự án Phát triển nông nghiệp miền Tây Nghệ An (VIE/014) hỗ trợ. Thông qua các chương trình, dự án này, người dân trên địa bàn huyện Tương Dương đã nhận thức được việc trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc là việc làm rất cần thiết và đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nhờ vậy, ngành chăn nuôi huyện Tương Dương đã có những bước tiến đáng kể, không những tăng về tổng đàn mà chất lượng ngày một được nâng lên. Năm 2010, toàn huyện Tương Dương có tổng đàn trâu gần 12.000 con, tăng so với năm 2005 hơn 5.000 con; đàn bò có hơn 32.500 con phân bổ tương đối đều ở các xã trong huyện. Các hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư các loại giống có năng suất cao vào sản xuất như đầu tư giống bò lai Zê Bu, lợn cái Móng Cái, lợn đực giống Đại Bạch.
(Ảnh minh họa) |
Mặc dù chăn nuôi được xem là thế mạnh của miền núi nhưng do tập quán nuôi thả tự nhiên, nên đàn gia súc nói chung, trâu, bò nói riêng ở huyện Tương Dương chưa phát triển mạnh, chưa thành hàng hoá. Hầu hết các hộ gia đình nuôi gia súc theo tập quán thả rông tự nhiên, trâu bò tự kiếm lấy thức ăn, tự sinh sản thành bầy, tiêm phòng chưa đầy đủ, diện tích trồng cỏ trên toàn huyện đang còn quá ít. Công tác quản lý giống chưa đạt yêu cầu nên hiện tượng thoái hoá đàn xẩy ra ở nhiều địa phương, chất lượng đàn bò ngày càng kém. Gần đây, do rừng được khoanh nuôi quản lý, bảo vệ và cả nạn trộm cắp trâu bò, bà con đã biết sáng thả gia súc đi, chiều lùa về buộc dưới lán nhà sàn hoặc trong vườn nhà. Đến nay, ở Tương Dương nhiều hộ gia đình đã có ý thức đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc, trồng cỏ làm thức ăn vỗ béo trâu bò, thu nhập đạt trên 10 triệu đồng/năm.
Từ kết quả đạt được, Tương Dương đã xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2011-2015. Theo đó, phát huy lợi thế tiềm năng của huyện để phát triển mạnh ngành chăn nuôi, thực hiện tốt quy chế chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao chất lượng tổng đàn. Phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có tổng đàn gia súc trên 93.000 con. Trong đó tổng đàn bò là: 49.000 con tổng đàn trâu là 14.000 con tổng đàn lợn: 30.000 con và nhập thêm theo Nghị quyết 30a mỗi năm là: 400 con bò, 200 con nghé và 50 con bò. Đồng thời chuyển đổi diện tích trồng cỏ, phấn đấu đến năm 2015 tổ chức trồng được 391 ha cỏ trên địa bàn 18 xã và thị trấn; Toàn huyện xây dựng được 10 trang trại các loại đảm bảo tiêu chí. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Tương Dương giao cho các tổ chức chính trị - xã hội phụ trách các mô hình chăn nuôi, quy hoạch vùng ưu tiên chăn nuôi, hỗ trợ về vốn; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hội thảo đầu chuồng nâng cao chất lượng giống chăn nuôi toàn huyện.
Cùng với đó, Tương Dương đề ra phương án giải quyết thức ăn thô xanh cho trâu, bò, chủ yếu tận dụng các bãi chăn thả tự nhiên, các gò đồi núi. Đồng thời, chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hiệu quả thấp, đất cao cưỡng, bạc màu, khai hoang, cải tạo đất ven sông, ven suối sang trồng cỏ thâm canh phục vụ chăn nuôi; xây dựng chuồng trại phù hợp với phương thức chăn nuôi bán chăn thả, phù hợp đối tượng trâu bò, lợn, gà, quy mô nuôi và đặc biệt, chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm.
(Hiến Chương)