Chưa tăng giá điện từ 1/6
Bắt đầu từ hôm nay (1/6), Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường có hiệu lực. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn khó khăn, nguy cơ lạm phát tăng cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa điều chỉnh giá điện, mặc dù giá nhiên liệu, tỷ giá đã tăng mạnh. Theo các chuyên gia kinh tế, điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là việc làm cần thiết, song cần có tính toán thận trọng để không gây tác động lớn đến nền kinh tế.
Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam, mặc dù ngành điện đang thua lỗ nhưng trong khi tình hình kinh tế còn khó khăn và do nhiệm vụ kiềm chế lạm phát đang được thực hiện quyết liệt, giá điện sẽ chưa tăng từ 1/6. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, giá điện sẽ khó giữ nguyên nếu các thông số đầu vào cơ bản (gồm giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng điện phát - là các thông số thường xuyên biến động ngoài khả năng kiểm soát của đơn vị phát điện) biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành. Theo ông Đàm Xuân Hiệp, Tổng Thư ký Hội Điện lực, việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là cần thiết vì sẽ giúp ngành điện phát triển một cách bền vững, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, cần có giải pháp đảm bảo giá điện được minh bạch: “Kinh nghiệm cuả các nước là khi ngành điện thay đổi giá, thì các thông số cơ bản như giá nguyên liệu, tỷ giá, tiêu hao nhiên liệu, khởi động… các nhà máy điện cần công khai. Nhà nước cũng cần kiểm tra, thẩm định có chế tài để tránh việc đưa ra số liệu không rõ ràng. Khi có số liệu đó thì có thể tính ngược được chi phí thật của sản xuất điện. Tôi nghĩ là bắt buộc phải minh bạch”.
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, nếu chi phí đầu vào tăng 5%, EVN được điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng, sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận. Nếu chi phí tăng trên 5%, EVN phải báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính thẩm định. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được tờ trình của EVN, Bộ Tài chính thẩm định và gửi ý kiến của mình. Trên cơ sở các ý kiến này, Bộ Công Thương tổng hợp và trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Công Thương trình Thủ tướng mà chưa có ý kiến trả lời, EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%. Thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, việc điều chỉnh giá bán điện vừa phải đảm bảo phản ánh đúng biến động của thị trường, nhưng cũng cần phải phù hợp với ổn định kinh tế vĩ mô: “Trong quyết định 24, cho phép EVN tự điều chỉnh giá bán điện bình quân trong trường hợp thông số đầu vào biến động lớn, để phản ánh kịp thời biến động thị trường. Bộ Công thương chịu trách nhiệm có ý kiến trước khi EVN điều chỉnh giá điện, xem việc điều chỉnh đó có phù hợp không, có ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống của nhân dân hay không”.
Cũng theo Quyết định 24, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện - được thành lập để thực hiện mục tiêu bình ổn giá bán điện. Quỹ bình ổn giá điện sẽ được lấy từ chi phí từ kinh doanh giá điện. Tuy nhiên, theo đại diện của Bộ Tài chính thì trong khoảng 1 năm tới, Quỹ này vẫn chưa thể đi vào hoạt động, do các khoản thua lỗ và nợ của ngành điện chưa được tính vào giá bán điện như hiện nay.
(Theo VOVnews)