Kinh tế trang trại - mô hình xây dựng NTM ở Hùng Sơn
Đến với Hùng Sơn cách đây 7 - 8 năm chỉ thấy những đồi trọc hoang tàn đầy lau lách, cỏ dại, giao thông đi lại vất vả. Người dân Hùng Sơn đã từng an phận với sự đói nghèo có nhiều gia đình đã bỏ quê vào Nam làm sinh sống. Đây là bái toán chưa giải được của Đảng ủy chính quyền địa phương xã Hùng Sơn. Nhưng với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” chính quyền địa phương đã vận động cán bộ đảng viên đi đầu nhận đất để trồng chè. Đầu tiên là ông bí thư, ông chủ tịch xã làm trước, tiếp đến là cán bộ Đảng viên trong các chi bộ xóm. Lúc đầu mới trồng nhỏ lẻ vài héc ta, sau nâng lên vài chục, vài trăm héc ta. Khi thấy được hiệu quả từ cây chè mang lại thì người dân đã hiểu đất quê mình không cằn cỗi mà rất hợp với cây chè và họ đua nhau nhận đất nhận rừng để trồng Chè công nghiệp.
Gia đình ông Nguyễn Thức Thành ở xóm 5, trước đây chỉ sống nhờ vào mấy sào ruộng khoán cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhưng từ trong khốn khó đó, vợ chồng ông Thành được địa phương mà người đi đầu là ông bí thư và ông chủ tịch vận động nhận đất để làm cây chè công nghiệp. Nghe và tin vào cán bộ, vợ chồng ông đã nhận đất và làm chè. Vậy là sau 6 năm, đời sống của gia đình ông đã hoàn toàn đổi khác.
Mô hình tưới nước chống hạn cho cây chè công nghiệp ở Anh Sơn |
Không riêng gì gia đình ông Thành mà gia đình anh Nguyễn Văn Thuận ở xóm 5. Cách đây 8 năm, cuộc sống gia đình chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán, đất đồi rộng những chỉ để chăn thả gia súc, gia cầm, cuộc sống của gia đình gặp không ít khó khăn. Đến năm 2002, khi có chủ trương trồng chè công nghiệp, địa phương cũng vận động gia đình anh nhận đất để làm cây chè công nghiệp. Ban đầu, anh cũng không tin tưởng lắm vì vùng đất này đã bao đời nay chính quyền địa phương đã đưa về nhiều loại giống mới, cây con nhưng không thấy loại nào có hiệu quả. Nhưng rồi anh Thuận thấy cán bộ xã làm được vợ chồng anh đã nhận đất và làm chè. Sau 5 năm, đời sống của gia đình anh được đổi khác.
Ngoài các mô hình phát triển kinh tế trang trại của các tổ chức hội trong xã thì các mô hình của tổ chức đoàn thanh niên cũng không kém phần sôi động như mô hình trang trại tổng hợp VACR rộng 5ha của gia đình đoàn viên Bùi Nhật Văn ở xóm 9. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng của địa phương, anh Văn đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn để lập trang trại, trồng rừng. Hiện nay anh đã có trong tay 3ha chè công nghiệp, 1ha cây nguyên liệu giấy và trên 1ha hồ đập để thả cá. Với quy hoạch của Nhật là trên đỉnh đồi trồng cây nguyên liệu giấy, sườn đồi trồng chè công nghiệp, dưới chân đồi ngăn đập để thả, đồng thời tạo độ ẩm cho cây chè. Đến nay trang trại của Nhật đã cho thu nhập mỗi năm từ mô hình này cũng đạt từ 40 - 50 triệu đồng.
Toàn xã Hùng Sơn đã nhận đất trồng chè công nghiệp với tổng diện tích 370ha. Mỗi năm, xã cung ứng cho nhà máy chế biến gần 1.700 tấn chè búp tươi, đưa về nguồn thu trên 4 tỷ đồng cho người trồng chè. Để cây chè phát triển bền vững, cho năng suất chất lượng nhưng phải giảm chi phí đầu vào cho người trồng chè địa phương đã phối hợp với Xí nghiệp chè Hùng Sơn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân sản xuất phân hữu cơ sinh học theo từng hộ gia đình.
Xã Hùng Sơn xây dựng đường giao thông nông thôn |
Thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ở bước “làm theo”, Đảng ủy xã Hùng Sơn đã phân công mỗi đảng viên hướng dẫn cho 3 hộ dân sản xuất phân vi sinh để đầu tư cho cây chè công nghiệp. Từ vài ba hộ sản xuất đến nay, toàn xã đã có trên 150 gia đình làm phân vi sinh sản xuất được trên 450 tấn trị giá gần 1 tỷ đồng. Phân vi sinh không chỉ dùng bón cho cây chè mà còn đủ bón cho các loại cây nông nghiệp. Mỗi người dân Hùng sơn hôm nay không chỉ là một nhà nông mà còn trở thành một nhà kỹ thuật làm phân hữu cơ vi sinh.
Hiện nay, xã Hùng Sơn đang đẩy mạnh phát triển kinh tế với 3 loại mô hình trang trại đó là chăn nuôi, mô hình trang trại trồng cây nguyên liệu và mô hình tổng hợp. Với những mô hình nói trên địa phương đã tận dụng triệt để điều kiện tự nhiên vào phát triển kinh tế. Hiện toàn xã Hùng Sơn có tới trên 40 trang trại trong đó có tới 15 hộ có trang trại đạt chuẩn, với 1.000ha cây nguyên liệu giấy, 370ha cây chè công nghiệp và 50ha ao thả cá. Nhờ phát triển mô hình trang trại có hiệu quả mà giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 5 đến 7%.
Từ năm 2000 trở về trước, Hùng Sơn là địa phương khó khăn nhất của huyện Anh Sơn. Toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên 2.098ha, có 810 hộ, 3.980 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 33%. Nhưng hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%, thu nhập bình quân đầu người 12,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 17%. Không chỉ hình thành nên một vùng chuyên canh cây chè công nghiệp tập trung mà xã đã phối hợp với ngành chè Nghệ An xây dựng nhà máy chế biến ngay trên địa bàn, điều này đã tạo nên sự gắn kết trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Kinh tế phát triển, xã vừa có nguồn thu và nhân dân cũng có điều kiện để đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Phát triển kinh tế trang trại một cách đúng hướng đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực, không những khuyến khích các hộ gia đình đầu từ mở rộng mà còn thu hút được nguồn vốn tạo việc làm cho nguồn lao động, có tác dụng lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo tại địa phương.
(Đặng Dương)