Lãi suất leo thang, doanh nghiệp lao đao
Đến thời điểm hiện tại, quy định về mức lãi suất huy động vốn của ngân hàng nhà nước đối với các ngân hàng thương mại vẫn ở mức 14%, lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh từ 17-18% năm. Tuy nhiên, trên thực tế, để hút vốn và giữ chân khách hàng, nhiều ngân hàng thương mại đang đua nhau nâng lãi suất huy động. Hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất huy động lên từ 15-19%, lãi suất cho vay bị đẩy lên ở mức 21-23%. Đơn cử như ngân hàng thương mại cổ phần Sài gòn – Hà Nội (SHB) chi nhánh Nghệ An đã tung ra rất nhiều chiêu thức để thu hút khách hàng như: gửi tiết kiệm trúng thưởng và huy động với lãi suất linh hoạt. Đơn vị này vẫn ghi vào sổ tiết kiệm lãi suất huy động 14%/ năm để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhưng bên cạnh đó lại có văn bản thỏa thuận cam kết riêng với khách hàng về lãi suất chênh lệch. Hiện tại nếu gửi 200 triệu đồng tại ngân hàng SHB thì mức huy động được thỏa thuận với khách hàng lên đến 16,5%.
Còn tại Ngân hàng quốc tế VIPbank chi nhánh Nghệ An lại đang thực hiện huy động với lãi suất ở nhiều mức khác nhau: Nếu khách hàng gửi 400 triệu sẽ có lãi suất 19%, gửi 200 triệu lãi suất sẽ là 18,5%, gửi 100 triệu đồng lãi suất 16,5%. Theo ông Ông Trần Văn Tám - giám đốc ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Eximbank thì với mức huy động và cho vay cao như hiện nay khả năng thanh khoản của các ngân hàng cũng gặp rất nhiều rủi ro.
Việc huy động vốn với lãi suất vượt trần quy định đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ được nâng lên. Chưa kể, một số ngân hàng đặt ra nhiều loại phí đã đẩy mức lãi suất thật các doanh nghiệp phải vay tăng ngất ngưởng, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và xáo trộn. Tại công công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Phong, từ khi giá nguyên vật liệu, xăng, dầu,và lãi suất ngân hàng liên tục leo thang, doanh nghiệp này đã bị lỗ lên đến trên 30%.
Cùng cảnh ngộ, hoạt động sản xuất của công ty cổ phần đầu tư và hợp tác Việt Lào hiện đang rơi vào tình trạng dậm chân tại chỗ. 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã bị thiệt hại trên 3 tỷ đồng. Gánh cả hai yếu tố lãi suất và tỷ giá, công ty cổ phần đầu tư và hợp tác Việt Lào không dám nghĩ đến chuyện mở rộng đầu tư mà chỉ cố gắng duy trì hoạt động để đảm bảo đời sống cho người lao động.
Đứng trước khó khăn chồng chất như hiện nay, các doanh nghiệp đều khẳng định: cơ hội đầu tư và sản xuất của họ đều đang trông chờ vào việc điều hành linh hoạt ở cấp vĩ mô, mặc dù họ không thể biết đến bao giờ mới giải quyết được trình trạng leo thang lãi suất này.
(Thu Vinh)