Thanh Chương khó khăn trong xoá bỏ lò gạch thủ công
Chúng tôi có mặt tại lò gạch của hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Trước tại xã Thanh Giang - một lò gạch đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Mỗi năm, lò gạch này sản xuất được hơn 10 vạn viên gạch, tạo công ăn việc làm mùa vụ cho 6 lao động địa phương. Mặc dù có nhiều cái lợi trước mắt, thế nhưng hoạt động của những lò gạch thủ công như thế này vẫn bộc lộ nhiều vấn đề không thể chối bỏ, đó là ảnh hưởng không tốt đến môi trường xung quanh, không đảm bảo an toàn lao động và phát triển bền vững, làm giảm diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng kể trên, chuyển đổi cơ cấu sản xuất thì vẫn chưa thể thực hiện được trong ngày một ngày hai trong khi không có kinh phí.
Lao động ở một lò gạch thủ công (Ảnh minh họa) |
Hiện tại, xã Thanh Giang còn có 2 lò gạch thủ công đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương. Qua làm việc với chính quyền địa phương, được biết, sự tồn tại của 2 lò gạch này là do hợp đồng cam kết vẫn chưa hết hiệu lực, hơn nữa còn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong quá trình tìm kiếm biện pháp và giải pháp chuyển đổi, các cơ sở sản xuất gạch thủ công gặp phải một số khó khăn về vốn đầu tư, về thiết bị, công nghệ, về công tác di dời tìm kiếm mặt bằng sản xuất. Ông Tưởng Quốc Thành - Chủ tịch UBND xã Thanh Giang cũng thừa nhận là lãnh đạo cơ sở thiếu kiên quyết trong xóa bỏ lò gạch thủ công.
Không riêng gì xã Thanh Giang, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn tồn tại nhiều lò gạch thủ công đang hoạt động. Theo thống kê của ngành chuyên môn hiện toàn huyên vẫn còn 21 lò gạch đang hoạt động ở 15 xã, thị trấn. Vẫn biết rằng, sự tồn tại của lò gạch, nhất là ở thời điểm hiện tại có nhiều cái lợi trước mắt, thế nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường, môi sinh, làm giảm diện tích đất nông nghiệp là thực tế không thể phủ nhận. Việc xoá bỏ hoạt động lò gạch thủ công này là điều rất cần thiết, thế nhưng các yếu tố khác liên quan đến vấn đề hậu dỡ bỏ cũng không phải dễ giải quyết. Ông Nguyễn Văn Quế - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định: Huyện sẽ đào tạo lao động và bố trí việc làm cho người lao động nếu họ có nhu cầu và cũng sẽ tạo mọi điều kiện để các chủ lò gạch thủ công chuyển đổi hình thức sản xuất.
Góp phần tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất gạch thủ công, chuyển đổi mô hình sản xuất hợp lí đã và đang là mục tiêu của các cấp các ngành trong chiến lược phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Muốn làm được điều đó, trước hết cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp nhưng quan trọng hơn là sự nỗ lực của các chủ lò gạch thủ công.
(Thanh Hải)