Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nông dân "xuyên đêm" diệt ốc bươu vàng hại lúa

15:40, 01/03/2018

Cùng với tình trạng lúa chết vì rét, bà con nông dân trên địa bàn huyện Thanh Chương cũng đang phải đối mặt với nạn ốc bươu vàng hại lúa. Những ngày này, trên tất cả cánh đồng rất dễ bắt gặp cảnh người dân tìm diệt ốc, nhất là vào ban đêm.

 

Đã nhiều ngày nay, bắt đầu khi màn đêm buông xuống, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tường ở xóm Rú Tổi, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương lại đội đèn, xách xô ra đồng để tìm diệt ốc bươu vàng. Sau 2 giờ đồng hồ tìm kiếm lần ít nhất cũng được 5 kg. 

Bà Tường vừa nhặt ốc vừa chia sẻ: “Tôi làm hai sào ruộng, do rét đậm rét hại nên chết nhiều, ra Tết mới mua mạ dắm lại thì bị nạn ốc bươu vàng. Diệt ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công vừa đỡ chi phí vừa bảo vệ môi trường. Bắt vào ban đêm hiệu quả cao vì ốc thường ngoi từ bùn lên đi ăn vào ban đêm”.

a
Bà Nguyễn Thị Tường và nhiều người dân xã Thanh Lĩnh đang "xuyên đêm" tìm diệt ốc bươu vàng.

Bà Nguyễn Thị Tường chỉ là một trong hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Chương đang phải ngày đêm tìm diệt ốc bươu vàng hại lúa. Theo cơ quan chức năng, hiện trên tất cả các trà lúa đều có ốc bươu phá hoại với diện tích khoảng 500ha, nhất là các địa phương có diện tích đất trũng thấp, có nước trên ruộng quanh năm hoặc ở các nơi đã từng có ổ dịch như Thanh Đồng, Xuân Tường, Thanh Lĩnh. Trước tình hình này, huyện đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật và các xã hướng dẫn tổ chức cho người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ. Nơi có mật độ cao và ít nước có thể dùng thuốc hóa chất.

Những con ốc buou vàng bắt đèn óng ánh rất dễ tìm bắt vào ban đêm.
Theo kinh nghiệm của người dân, ốc bươu vàng bắt đèn sẽ óng ánh nên dễ tìm bắt vào ban đêm.

Chia sẻ kinh nghiệm bắt ốc hiệu quả, ông Phan Văn Tỵ ở xóm 4, xã Thanh Đồng cho biết: “Nếu ruộng lúa gieo thẳng chủ động được nguồn nước có thể tháo nước vào buổi chiều chỉ để lại xăm xắp ở các rãnh luống, ban đêm ốc sẽ tập trung vào đây và sáng dậy chỉ cần thu gom. Ốc bươu vàng sau khi được đánh bắt có thể làm thức ăn chăn nuôi hoặc tiêu hủy bằng chôn lấp với vôi, hóa chất hoặc đập vỡ, không nên đổ ốc lên bờ vì ốc sống lâu có thể quay lại ruộng. Lúc bắt ốc cần kết hợp thu gom cả trứng vì trứng ốc có màu đỏ hồng tập trung thành từng búi lớn ở lá lúa, lá cỏ, bờ bụi sát mép nước rất dễ phát hiện”.

Người dân gom ốc buou vàng chuẩn bị xử lý.
Người dân gom ốc buou vàng chuẩn bị xử lý.

Cùng với việc cấy lại diện tích bị chết, diệt ốc, bà con nông dân Thanh Chương cũng đang tích cực phòng trừ bệnh đạo ôn và một số loại sâu bệnh. Nhờ chỉ đạo kịp thời chính quyền và sự vào cuộc quyết liệt của người dân, cây lúa đã bước vào giai đoạn bén rễ, hồi xanh cứng cây hơn, về cơ bản, huyện Thanh Chương đã khống khế được nạn dịch ốc bươu vàng bước vào thời kỳ bón thúc, thâm canh./.

Đình Hà - Đài TTTH Thanh Chương