Độc đáo nghề rèn của người Mông - Kỳ Sơn
Nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời gắn liền với đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người Mông ở các huyện vùng cao nói chung, huyện Kỳ Sơn nói riêng. Những dụng cụ sản xuất, vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày được chế tác dưới đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân người Mông có độ tinh xảo, sắc bén và có độ bền rất cao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Hờ Chá Giờ ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn là một trong số ít các gia đình người Mông còn giữ lại được nghề rèn truyền thống. Ban đầu, ông chủ yếu tự rèn nông cụ cho gia đình và giúp đỡ mọi người trong bản, về sau ông sản xuất nhiều hơn để bán cho bà con trong vùng. Các sản phẩm rèn của gia đình ông được nhiều người biết đến, khách hàng từ khắp nơi đến tìm mua ngày càng nhiều.
Chia sẻ của ông Hờ Chá Giờ: “Nghề truyền thống bố mẹ để lại cho mình thì phải làm vì bà con, phục vụ làm rẫy làm nương. Bên cạnh đó, mình giữ gìn nghề truyền thống này là để con cháu thế hệ sau biết đến và lưu giữ”.
Bí quyết làm ra những chiếc nông cụ, vật dụng tốt quan trọng là kinh nghiệm rèn. |
Bí quyết để làm ra những con dao có độ sắc và độ bền chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ngoài việc chọn loại thép tốt, phù hợp cho từng sản phẩm còn đòi hỏi kinh nghiệm tôi thép trong khi làm. Ông Chá Giờ cho biết thêm: “Trong lúc rèn, nếu tôi thép chưa đủ độ nóng thì dao non, không dùng lâu được, tôi quá lửa khiến dao dễ bị gãy. Vì vậy, phải tôi thép có đủ độ rắn và độ lạnh dụng cụ mới được sắc, dẻo, dao chặt đồ không sợ hỏng”.
Cùng với sự phát triển của xã hội, máy móc hiện đại thay thế cho sức lao động thủ công tạo ra nhiều vật dụng, nông cụ, vừa rẻ vừa đẹp, thế nhưng, những sản phẩm rèn bằng tay của người Mông vẫn được đồng bào ưa chuộng và là những vật dụng không thể thiếu trong đời sống lao động sản xuất.
Những người thợ rèn người Mông, huyện Kỳ Sơn sản xuất nông cụ, vật dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn góp phần lưu giữ nghề truyền thống. |
Ông Hờ Bá Chá - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn khẳng định thêm: “Theo truyền thống, trước đây mỗi dòng họ phải có một lò rèn, đến mùa sản xuất tập trung rèn để phục vụ lao động. Hiện nay, nghề rèn không bó hẹp trong dòng họ mà mở rộng sản xuất để cung cấp cho thị trường. Mỗi bản có khoảng 4 -5 lò nhưng sản xuất ra không đủ bán. Các sản phẩm đều được làm thủ công nên chất lượng tốt, đảm bảo, được nhiều người tin dùng”.
Nghề rèn của người Mông đòi hỏi sự tài hoa khéo léo, thể hiện sự sáng tạo của người thợ rèn, cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa riêng của người dân địa phương. Trong sự phát triển của xã hội, nghề rèn của đồng bào Mông có thể ít dần đi, nhưng nét tinh túy nghề truyền thống vẫn còn đó và vẫn được gìn giữ và lưu truyền cho đời sau./.
Lữ Phú