Dấu ấn Nghĩa Đàn sau 10 năm xây dựng phát triển
Cách đây 10 năm, vào ngày 10/5/2008, Nghĩa Đàn được chia tách thành 2 đơn vị hành chính là huyện Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hòa theo Nghị định 164 của Chính phủ. Với bước đột phá trong tư duy lãnh đạo và và sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, huyện Nghĩa Đàn đã tạo bước đột phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tập trung giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của nhân dân.
Từ một huyện có nền kinh tế - xã hội phát triển ở miền Tây Bắc Nghệ An, sau khi chia tách, Nghĩa Đàn gần như trở lại điểm xuất phát ban đầu của một huyện miền núi nghèo với 9 xã đặc biệt khó khăn, 1/3 dân số là đồng bào dân tộc, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng trên 59%; cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo cao…
Từ xuất phát điểm của huyện miền núi nghèo, Nghĩa Đàn đang có thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. |
Ông Vi Văn Định - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ thêm: "Những năm qua, toàn hệ thống chính trị và nhân dân huyện Nghĩa Đàn đã tạo được sự đồng thuận cao để vượt khó. Địa phương thu hút nhiều dự án lớn và chính những dự án đó đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của huyện, tạo đà cho Nghĩa Đàn có diện mạo mới”.
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu kinh tế của huyện Nghĩa Đàn có bước chuyển dịch căn bản từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hoá theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. So với năm 2009, hiện nay, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đã tăng 5,8 lần; thu ngân sách tăng gấp 8 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 21% xuống còn 7,6%. Các chính sách cởi mở, thông thoáng trong thu hút đầu tư đã tạo điều kiện phát triển nhiều dự án lớn trên mảnh đất giàu tiềm năng như: Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung và chế biến sữa quy mô công nghiệp, Nhà máy gỗ MDF, Nhà máy sản xuất nước tinh khiết và nước hoa quả Núi Tiên...
Nghĩa Đàn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. |
Đánh giá tiềm năng và môi trường đầu tư ở huyện Nghĩa Đàn, ông TalCohen - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Sữa TH cho biết: “Nghĩa Đàn có tiềm năng phát triển tốt, lãnh đạo huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư, những vướng mắc nhanh chóng được giải quyết, vì vậy chỉ trong thời gian ngắn, các dự án của TH đã thành công và phát triển tốt”.
Nhiều dự án lớn đầu tư tại Nghĩa Đàn đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, tạo ra diện mạo mới của miền Tây xứ Nghệ. |
Nói về định hướng phát triển của huyện Nghĩa Đàn trong thời gian tới, ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Thời gian tới, Nghĩa Đàn tiếp tục ổn định một số cây trồng chủ lực phục vụ cho công nghiệp chế biến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn; phấn đấu xây dựng Nghĩa Đàn trở thành miền quê đáng sống, Nông thôn mới kiểu mẫu”.
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, Nghĩa Đàn phấn đấu trở thành cực tăng trưởng của miền Tây Nghệ An. |
Chỉ trong vòng một thập kỷ, Nghĩa Đàn đã hai lần vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Đảng bộ huyện 9 năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ vững mạnh. Với tiềm năng của vùng đất đỏ Bazan màu mỡ, hệ thống giao thông thuận lợi, người dân cần cù, sáng tạo sẽ xây dựng Nghĩa Đàn sớm trở thành cực tăng trưởng của miền Tây Nghệ An.
Kim Thoa – Hoàng Hiếu