Vùng quê xứ Nghệ thu nhập cao từ trồng mướp hương
Những ngày này, về xóm 9 xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, đến đâu cũng bắt gặp những dàn mướp hoa vàng nở rộ. Dưới màu hoa vàng nên thơ ấy, dày kín những quả mướp hương thơm ngon đặc trưng của xã miền núi Hồng Sơn. Bình quân mỗi sào trồng mướp đem lại thu nhập trên 22 triệu đồng cho bà con nông dân nơi đây.
Ông Phan Đăng Bá ở xóm 9, xã Hồng Sơn là hộ gia đình có thâm niên trồng mướp hương cách đây trên 10 năm. Hiện tại, gia đình ông trồng trên 1 sào mướp. Ông xuống giống gieo trồng vào tháng Giêng, sau 55 ngày, cây mướp cho quả. Cứ 2 ngày, ông thu hoạch mướp 1 lần, mỗi lần đạt khoảng 60kg, thậm chí có ngày lên đến 80kg. Giá bán sỉ ở chợ hiện khoảng 5.000 đồng/kg, cách ngày ông thu về 300 ngàn đồng.
Mướp hương cho người dân vùng núi Hồng Sơn thu nhập 22,5 triệu đồng/sào. |
Cây mướp hương ở Hồng Sơn cho kích cỡ quả vừa phải, chỉ nhỉnh hơn cổ tay. Do chất đất vùng đồi núi mát, nên mướp hương Hồng Sơn mang hương đặc trưng. Người dân trồng mướp ở đây không phải phun bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, bởi quả mướp hương vỏ dày, thời gian sinh trưởng nhanh, khi quả ra bằng ngón tay út, chỉ sau 5 ngày đã được thu hoạch.
Việc thu hoạch mướp hương kéo dài đến 5 tháng liên tục (khoảng 150 ngày), trong đó, có 75 ngày thu hoạch thường xuyên. Mỗi vụ thu hoạch người dân thu về khoảng 22,5 triệu đồng/sào; 1ha thu về 450 triệu đồng.
Mỗi vụ mướp cho thu hoạch kéo dài 5 tháng. |
Hiện nay ở trong xóm 9, xã Hồng Sơn có hàng chục hộ trồng mướp với diện tích 6ha cho thu nhập cao. Theo các hộ trồng mướp, nhiều năm qua, không vì lợi nhuận thu nhập cao mà bà con mở rộng diện tích, tất cả đều “căn” theo đầu ra để điều chỉnh cho phù hợp, mục đích chính là giữ giá.
Ngoài diện tích trồng mướp hương, toàn xóm cũng có đến 40 hộ trồng mướp đắng, cho thu hoạch 1 tạ/ngày.
Cây mướp đắng cho người dân Hồng Sơn nguồn thu nhập ổn định bên cạnh cây mướp hương. |
Anh Phan Đăng Sơn - Xóm trưởng xóm 9, xã Hồng Sơn cho biết: “Nhiều năm nay, bà con trong xóm thường xuyên chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm trồng mướp đắng cho năng suất cao, tạo thu nhập cho các hộ gia đình. Đặc biệt, nhiều hộ trồng được mướp đắng trái vụ nên thu nhập khá”.
Người dân phòng trừ sâu bệnh cho cây mướp đắng bằng phương pháp thủ công. |
Để cây mướp đắng không bị sâu bệnh, người dân ở đây không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng phương thức thủ công nhưng hiệu quả. Người dân cho mồi nhử vào một chiếc chai nhựa, các loài chích hút phá hoại quả theo đó bay vào mắc bẫy.
Trồng mướp đang là hướng đi đúng đắn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng núi Hồng Sơn. Không chỉ tạo ra “đặc sản” của địa phương, việc người dân cân đối diện tích sản xuất góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống/.
Ngọc Phương