An toàn hồ đập mùa mưa bão: Còn nhiều nỗi lo
Nghệ An hiện có 625 hồ đập lớn nhỏ, chiếm 10% số lượng hồ đập của cả nước. Phần lớn được xây dựng cách đây trên 50 năm, chủ yếu làm bằng thủ công, qua quá trình sử dụng và tàn phá của thiên nhiên, các hồ đập nằm trong tình trạng báo động về độ an toàn. Từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Nghệ An đang có 27 hồ đập được đầu tư để nâng cấp trong giai đoạn từ năm 2016 - 2022.
Hàng loạt hồ đập 40- 50 năm tuổi đời xuống cấp trầm trọng
Với tình trạng xuống cấp như hiện nay, chỉ cần 1 đợt mưa lớn kéo dài, đập Tân Đồng, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn có thể vỡ bất cứ lúc nào... Cho nên trong mùa mưa bão, an toàn về tài sản và tính mạng của trên 300 hộ dân nằm phía dưới hạ du là điều mà chính quyền quan tâm nhất… Đây cũng là tình trạng chung của gần 120 hồ đập của huyện Nghĩa Đàn sau hàng chục năm đưa vào sử dụng.
Phần lớn các hồ đập ở Nghệ An đều phần bổ chủ yếu ở các địa bàn vùng trung du, bán sơn địa hầu hết đã xuống cấp |
“Hàng năm UBND tỉnh đều bố trí ngân sách để tu bổ, nâng cấp các công trình hồ đập ách yếu. Tuy nhiên, số lượng hồ đập xuống cấp quá nhiều, ngân sách thì hạn hẹp. Việc khắc phục gần như rất hạn chế”- ông Lâm Văn Thắng, Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Nghĩa Đàn băn khoăn.
Phần lớn các hồ đập ở Nghệ An đều phần bổ chủ yếu ở các địa bàn vùng trung du, bán sơn địa. Phía dưới thân đập và vùng hạ du thường là các khu dân cư xen kẽ ruộng đồng… Sau thời gian dài vận hành, ít được nâng cấp, nhiều hồ đã xuống cấp và có hiện tượng thẩm thấu nước qua thân đập. Mặc dù, tất cả các hồ đập ách yếu của huyện Yên Thành đều có phương án phòng chống thiên tai, nhưng với thực trạng hiện nay , nếu xảy ra sự cố tại một hồ đập trên cao sẽ tác động liên hoàn đến các hồ đập dưới thấp.
Để người dân vùng hạ du không còn lo lắng
“Trong 252 hồ đập có 7 hồ đập lớn. Nếu các hồ đập trên cao bị vỡ thì sẽ uy hiếp sự an toàn đến các hồ đập dưới thấp. Sau đợt mưa lớn vừa qua, các hồ đập nhỏ cơ bản đã đầy, còn hồ lớn nước ngấp nghé. Nếu xảy ra thì thiệt hại sẽ là khôn lường. Sắp tới còn mưa nữa thì chúng tôi rất lo”- ông Nguyễn Vương Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành vô cùng lo lắng.
Đây cũng là lý do Nghệ An được Trung ương lựa chọn triển khai dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập do Ngân hàng thế giới tài trợ, với tổng nguồn vốn đầu tư 517 tỷ đồng. Trong đó vốn của WB là 490 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng 27 tỷ đồng. Hiện nay, công tác triển khai nâng cấp 27 hồ đập thuộc 9 huyện, thị đang được đẩy nhanh tiến độ.
Về vấn đề này ông Phùng Thành Vinh- Giám đốc Ban QLDA ngành NN & PTNT “Hiện nay có 2 tiểu dự án làm điểm đã được triển khai tập kết vật liệu, giải phóng mặt bằng. Sau khi kết thúc mùa mưa sẽ triển khai thi công. Còn tiểu dự án 3 gồm 13 hồ đập, đã hoàn thành thiết kế và dự kiến sẽ mở thầu vào cuối quý 4 năm”
Sau thời gian dài vận hành, ít được nâng cấp, nhiều hồ đã xuống cấp và có hiện tượng thẩm thấu nước qua thân đập. |
“Chúng ta biết rằng Nghê An là tỉnh rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là mưa bão và ngập lụt. Đây chính là lúc cần triển khai sửa chữa các hồ đập. Khi các công trình hoàn thành sẽ đóng vai trò bảo vệ những cộng đồng ở hạ lưu và góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp. Chính người dân sẽ được thụ hưởng lợi ích từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây cũng là điều mà chúng tôi trông đợi”- ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết thêm.
Theo ngành NN & PTNT, trong quá trình triển khai dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập, nếu quản lý, điều hành tốt, Nghệ An có thể tiết kiệm nguồn vốn kết dư đã được phân bổ để nâng cấp thêm 6 - 8 hồ đập, ngoài 27 hồ đập được đầu tư. Điều quan trọng nhất là các địa phương phải phối hợp để làm tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng và UBND tỉnh sớm bố trí đủ nguồn ngân sách đối ứng cho toàn bộ dự án này.
Thái Dương