8 lãnh đạo nhà nước hoặc chính phủ sẽ tới Việt Nam tham dự WEF- ASEAN
08:35, 09/09/2018
Theo thông tin từ Ban tổ chức WEF-ASEAN, tính đến nay, đã có 8 lãnh đạo nhà nước hoặc chính phủ và hơn 92 đại diện cho tất cả các quốc gia ASEAN khẳng định sẽ tới Việt Nam tham dự hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 diễn ra từ 11/9 đến 13/9 tại Hà Nội.
Đại diện cấp cao các nước ASEAN đều tham dự WEF ASEAN tại Hà Nội. |
Đó là Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Malaysia Tun Dr Mahathir Bin Mohamad, Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Philippines Rodrigo Ros Duterte, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe.
Ngoài ra, có ba bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước ngoài tham dự gồm: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chile Roberto Ampuero Espinoza.
Đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 5 phó Thủ tướng và 15 bộ trưởng tham dự và chủ trì một số hội thảo chuyên đề.
Đồng Chủ tịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF - ASEAN năm nay gồm 6 người: bà Anne-Birgitte Albrectsen, Giám đốc điều hành của tổ chức Plan International của Vương quốc Anh, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-Wha, Chủ tịch tập đoàn CIMB của Malaysia Nazir Razak, Quyền Bô trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, Đối tác quản lý toàn cầu của tập đoàn McKinsey & Company, Hồng Kông, Trung Quốc.
Chương trình nghị sự của hội nghị lần này tập trung vào các vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới theo ba chủ điểm chính: Quản trị khu vực và toàn cầu; Nền kinh tế và kinh doanh năng dộng; An sinh xã hội.
Với chủ đề Quản trị khu vực và toàn cầu, hội nghị sẽ thảo luận về Cần bằng quyền lực mới của châu Á; Triển vọng kinh tế châu Á; Đẩy mạnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Về chủ đề Nền kinh tế và kinh doanh năng động, hội nghị sẽ nhìn nhận các yếu tố thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới, hình thái của các hệ thống kinh tế mới nổi, và yêu cầu của việc quản trị linh hoạt trong bối cảnh những đột phá về kỹ thuật số dẫn đến các mối đe dọa khổng lồ. Phiên thảo luận bao gồm vấn đề vê Biên giới tiếp theo của nhà máy châu Á,Tương lai của việc làm trong ASEAN, Thiết kế Thành phố 4.0.
Về An sinh xã hội, hội thảo sẽ phân tích về các cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vừa có thể làm trầm trọng thêm và cải thiện vấn đề bất bình đẳng và yếu kém của xã hội, thông qua y tế và giáo dục,cơ sở hạ tầng, tài chính toàn diện và quản trị. Các phiên thảo luận sẽ tập trung vào Môi trường làm việc 4.0, Quấy rối tình dục ở công sở, Chủ nghĩa đa nguyên trong ASEAN.
Theo Tiền phong