Trồng dưa chuột mang lại hiệu quả cao ở Quỳ Hợp
Trong những năm trở lại đây, nhiều hội viên Hội Phụ nữ xã Châu Cường huyện Quỳ Hợp đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa chuột và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Gia đình chị Cầm Thị Duyên ở xóm Hạ Đông, xã Châu Cường có hơn 1 sào đất, trước đây chị chuyên trồng cây màu chỉ đủ ăn chứ không có để dành. Cuối năm 2016, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị đã quyết định chuyển đổi sang trồng dưa chuột. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chuyển đổi cây trồng do hội phụ nữ phối hợp với các Ban ngành tổ chức nên diện tích dưa chuột của gia đình chị Duyên phát triển tốt. Sau khi trừ chi phí, giống, phân bón, gia đình chị có lãi gần 5 - 6 triệu đồng/lứa, so với trồng hoa màu thì trồng dưa chuột của gia đình chị lãi gấp 2 đến 3 lần so với trồng cây màu khác.
Chị Cầm Thị Duyên chia sẻ: Chúng tôi có trồng 1 sào dưa chuột, một năm trồng 3 lứa. Khi ra hoa đậu quả thì dùng bằng thuốc sinh phun lên cho khỏi con bò mòng, ruồi vàng phá hoại. Chúng tôi bán chủ yếu cho người quen 15 đến 20 ngàn/1cân, 1 mùa thu được 5 - 6 triệu đồng. Hết lứa này thì chuyển sang lứa khác.
Từ khi chuyển đổi sang mô hình trồng dưa chuột giúp các hội viên phụ nữ nâng cao thu nhập. |
Trước đây, diện tích trong vườn nhà chị Lý Vi Vi ở bản Nhang luôn bỏ hoang, nhưng từ khi được hội phụ nữ tuyên truyền về việc chuyển đổi từ đất kém hiệu quả sang trồng dưa, sau gần 2 năm, chị có thu nhập hơn trước. Dưa chuột là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc , ngắn ngày, chỉ trong vòng từ 50 - 60 ngày trở đi là cho thu hoạch, thời gian thu hoạch nhiều lần, chi phí đầu tư lại thấp, việc chăm sóc đơn giản. Chị Lý Vi Vi cho biết: Gia đình tôi có 1 sào đất trồng1 năm 3 vụ. Cả năm tính tổng khoảng 15 - 20 triệu đồng.
Hiện nay, xã Châu Cường đã có hơn 300 hội viên phụ nữ triển khai trồng, mỗi nhà trồng trên dưới một sào dưa chuột, tập trung nhiều ở các xóm như Hạ Đông, Đồng Tiến, bản Nhang, bản Nhọi, Mường Ham và bản Thắm. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa chuột ở đây phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho hội viên.
Mô hình trồng dưa chuột của hội phụ nữ xã Châu Cường cho hiệu quả kinh tế cao. |
Để phát triển mô hình, hội phụ nữ xã Châu Cường đã đã tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện cho hội viên mở rộng diện tích dưa chuột, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho chị em góp phần trong việc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Chị Vi Thị Quang - Chủ tịch phụ nữ xã Châu Cường cho biết: Mô hình trồng dưa chuột rất hiệu quả, cho năng suất sao. Thời gian tới chúng tôiì phát động đến tất cả các hội viên tìm những mô hình phù hợp với địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thành công bước đầu từ mô hình trồng dưa chuột của Hội phụ nữ xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp đã mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp cũng như giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.
Thanh Hợp