Hướng đi mới từ mô hình trồng sả xen canh
Những năm gần đây, xác định được lợi ích của cây sả, hội viên phụ nữ xã Nghĩa Xuân huyện miền núi Quỳ Hợp đã tích cực tận dụng diện tích đất vườn, đồi để trồng sả xen canh, mang lại thu nhập cao. Đặc biệt, để gây quỹ tình thương nhằm hỗ trợ cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hội phụ nữ xã Nghĩa Xuân đã mượn đất của các hội viên để trồng gần 3 ha sả.
Sả là loại gia vị phù hợp với nhiều loại đất, kể cả đất cằn, dễ sống và có thể phát triển trong tán vườn. Vì vậy, người dân đã tận dụng tối đa diện tích đất trồng các loại cây khác như cam, keo hay cao su để trồng sả. Tận dùng lợi thế này, khi trồng, chị em phụ nữ chỉ dùng những nhánh sả giống nhỏ, tách ra thành từng gốc, cắt ngắn rễ rồi dùng cuốc đào thành những hố nông để trồng. Thông thường, sả trồng xuống đất khoảng 1 tuần là có thể vươn thành lá xanh. Được tham gia thực hiện mô hình trồng sả xen canh với diện tích khoảng gần 3ha sả để gây quỹ tình thương của phụ nữ xã Nghĩa Xuân rất nhiều chị em phấn khởi hưởng ứng.
Toàn xã Nghĩa Xuân trồng được khoảng 20ha sả xen canh. |
Trước đây, nhiều chị em phụ nữ ở Nghĩa Xuân chỉ trồng sả theo hình thức trồng nhỏ lẻ một hai khóm để lấy củ làm gia vị, thì nay củ sả được trồng với diện tích lớn để cung cấp ra thị trường với khối lượng lớn. Nhận thấy đây là mô hình thâm canh theo hình thức tận dụng đất khá hiệu quả, nên ngoài hội viên phụ nữ thì nhiều hộ dân trong xã cũng đã tích cực áp dụng và mang lại nguồn thu đáng kể trong sản xuất nông nghiệp.
“Trồng sả thấy chi rất hiệu quả, nhà chị trồng sen trong cam 1 ha trừ chi phí hết cũng được gần 20 triệu, còn một số chị em nữa cũng trồng sen các cây khác nữa như cao su thấy hiệu quả rất cao, 1 sào cứ 2-3 triệu, chị thấy là chị em trong chi hội làm có hiệu quả nên dì cũng có tham mưu cho hội phụ nữ xã nên làm mô hình để giúp cho chị em phụ nữ nghèo, những chị em khó khăn có hoàn cảnh đặc biệt để giúp cho những chị em đó vượt qua trong lúc khó khăn hoạn nạn” - chị Nguyễn Thị Nhàn, chi hội trưởng phụ nữ xóm Hợp Xuân, xã Nghĩa Xuân phấn khởi nói.
Phụ nữ xã Nghĩa Xuân ra quân làm mô hình trồng sả xen canh dưới tán cây cao su. |
Trong những năm gần đây, sả được thị trường quanh huyện và vùng xuôi ưa chuộng, có nhu cầu lớn hằng ngày nên nhiều hội viên phụ nữ ở Nghĩa Xuân đẩy mạnh việc trồng và thâm canh sả ở mọi diện tích đất có thể tận dụng. Điều quan trọng là khi canh tác sả, người ta không phải tốn diện tích đất vườn hay đầu tư quá nhiều phân bón mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn nhiều so với nhiều loại cây rau, cây gia vị khác. Hiện tại, ở Nghĩa Xuân bán sả ra thị trường với giá từ 13-15 ngàn đồng/kg, mỗi ngày, hàng trăm kg củ sả được bán ra chợ, hay các nhà hàng và cho lái buôn. Theo tính toán của Hội phụ nữ xã Nghĩa Xuân, khoảng sau 8 tháng trồng 3 ha sả này thì sẽ cho thu hoạch và trừ chi phí hội sẽ có khoảng 60 triệu đồng. Vì thế, diện tích sả theo mô hình trồng tận dụng đất được người dân tích cực đẩy mạnh.\
Hiện sả được bán ra thị trường với giá từ 13.000-15.000đ/1kg. |
“Hiện tại mô hình trồng sả sen canh đang thu hút rất nhiều chị em hội viên, mục đích của các mô hình này là chị em hội LHPN xã Nghĩa Xuân gây quỹ để ủng hộ một số chị em thoát nghèo bền vững và giúp cho chị em về cây trồng, con giống để mỗi năm hội LHPN xã Nghĩa Xuân cố gắng mỗi năm thoát từ 1-2 hội viên nghèo trong toàn xã, giúp cải thiện đòi sống kinh tế chị em toàn xã ngày càng đi lên” - chị Lê Thị Mai Chung, Hội LHPN xã Nghĩa Xuân chia sẻ.
Toàn xã Nghĩa Xuân hiện có khoảng 20 ha sả trồng tập trung chủ yếu ở 4 xóm gồm Hợp Xuân, Khe Đỏ, xóm Tàu và xóm Kính. Trong tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc trồng sả xen canh giúp cho các hội viên phụ nữ ở Nghĩa Xuân sẽ ổn định thu nhập trải đều trong năm, không sợ thất thu vì trồng một loại cây, từ đó góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân nơi đây.
Phan Giang