Thủ tướng đề nghị tìm động lực tăng trưởng mới cho đất nước
Thủ tướng yêu cầu phải phân tích sâu sắc hơn đặc trưng của nền kinh tế nước ta hiện nay để có những giải pháp tốt hơn, phù hợp hơn.
Sáng 18/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu Ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ bàn về một số công tác của Tiểu Ban.
Nhiệm vụ quan trọng của Tiểu Ban Kinh tế - Xã hội là xây dựng 2 văn kiện: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc XIII.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. |
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Tiểu Ban thống nhất các nhiệm vụ cần thực hiện với lộ trình cụ thể. Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Thường trực Chính phủ, Thủ tướng cho biết, cuộc họp hôm nay cơ bản thống nhất dự thảo chương trình kế hoạch và lộ trình thực hiện, từ tháng 1/2019 - 3/2021. Trong đó nhấn mạnh 2 mốc rất quan trọng là trình Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5/2019 thảo luận cho ý kiến để hoàn thiện đề cương báo cáo; Hội nghị Trung ương 11 vào tháng 10/2019 thông qua Dự thảo báo cáo trình Đại hội Đảng XIII để gửi Đảng bộ các cấp cho ý kiến.
“Trung ương đặt vấn đề như vậy rõ chưa, mới chưa, sát chưa? Một tinh thần, một ý chí, quyết tâm trong báo cáo để làm cơ sở cho thảo luận ở Đảng bộ địa phương và Trung ương, để dân tộc chúng ta vươn lên, tiến mạnh mẽ vào thời đại mới” – Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề rất quan trọng là cần thống nhất về phương pháp xây dựng các chiến lược, kế hoạch để đưa ra những định hướng lớn, chiến lược trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phải lường trước được các biến động 5 năm hay 10 năm tới đất nước có thể gặp phải để có giải pháp ứng phó. Dù tiếp cận theo phương pháp nào cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các nội dung có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn; huy động được trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, nhất là các viện, trường.
Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu ngay những vấn đề trọng tâm phục vụ xây dựng chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm để triển khai đặt hàng và giao nhiệm vụ nghiên cứu ngay từ cuối năm nay. Sau khi có sản phẩm đặt hàng sẽ giao cho các bộ, ngành, địa phương tổng kết đánh giá. Trên cơ sở các báo cáo chuyên đề, ý kiến của các thành viên, các tài liệu có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ biên tập cùng các cơ quan liên quan biên tập các báo cáo và nội dung của chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm.
Nhấn mạnh các thành viên Tiểu ban hầu hết là lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu giao nhiệm vụ cho các thành viên xây dựng báo cáo đánh giá hoạt động của ngành mình, đặc biệt là phải nêu ra được định hướng đổi mới, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực mình quản lý trong 5 đến 10 năm tới. Đây là “nguyên liệu thô” quan trọng để Tiểu Ban nghiên cứu, biên soạn các nội dung.
Thủ tướng gợi ý một số nội dung thảo luận về động lực tăng trưởng mới cho đất nước. |
Về việc xác định các vấn đề trọng tâm để “đặt hàng” nghiên cứu, Thủ tướng đề xuất một số nội dung như phát triển nhanh và bền vững, tăng trưởng kinh tế cao. Thủ tướng cho rằng, cần thúc đẩy phát triển nhanh hơn bởi quy mô nền kinh tế nước ta còn thấp, thu nhập bình quân đầu người không lấy gì làm tự hào khi chỉ khoảng 2.500 USD/năm.
Bên cạnh đó là cần quan tâm đến mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, tiếp tục đảm bảo kinh tế thị trường phát triển lành mạnh; thị trường quyết định phân bổ nguồn lực để phát huy hiệu quả nền kinh tế. Vai trò của Nhà nước là thúc đẩy sự phát triển đúng hướng, nhất là thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cho rằng tầm nhìn nông thôn mới của nước ta cần cao và xa hơn, Thủ tướng gợi ý, nông thôn mới phải phát triển trở thành đô thị, nhất là khi đô thị là một động lực phát triển.
Thủ tướng cũng cho rằng, cần chú ý những vấn đề như kinh tế số, xu hướng phát triển khoa học công nghệ, xu hướng phát triển của thế giới để có tầm nhìn rõ hơn cho các nội dung và định hướng phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Về việc xác định các đột phá chiến lược để phát triển, bên cạnh 3 vấn đề đột phá chiến lược hiện nay, Thủ tướng cho rằng có thể nghiên cứu đề xuất các đột phá chiến lược mới, trong đó có gợi ý phải khẳng định vai trò của khoa học công nghệ trong kỷ nguyên số để đất nước không tụt hậu. Ngay trong đột phá về thể chế đang được thực hiện cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa, xóa bỏ các thể chế lạc hậu, ràng buộc.
Thủ tướng cũng lưu ý xu hướng là khu vực dịch vụ trong nền kinh tế sẽ phát triển mạnh hơn, nhất là khi thu nhập của người dân cao hơn, nhu cầu các dịch vụ nhiều và chất lượng cao hơn. Phát huy tốt thị trường 100 triệu dân cũng chính là góp phần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
Nói về động lực phát triển của nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Các đồng chí đang nói tìm động lực tăng trưởng mới ở Việt Nam. Một câu hỏi có điểm danh mục nhưng chưa rõ nội hàm, lần này đưa ra Tiểu ban để thảo luận. Trong đó có vấn đề phát triển đô thị, vấn đề đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp. Tại sao không đặt mục tiêu 50 triệu lượt khách quốc tế? Phải đặt ra động lực tăng trưởng như vậy".
Để xây dựng các chiến lược và kế hoạch sát thực tiễn, Thủ tướng yêu cầu phải phân tích sâu sắc hơn đặc trưng của nền kinh tế nước ta hiện nay để có những giải pháp tốt hơn, phù hợp hơn. Trong đó phải chú ý đến tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn lớn với 42% và năng suất lao động thấp. Do đó phải phát triển để giải quyết việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, cần chú ý những vấn đề như thị trường vốn, đất đai còn bất cập; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa như mong muốn; giá trị gia tăng và năng suất lao động thấp; tiếp tục thu hút FDI có chọn lọc, công nghệ cao thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao và thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Cùng với đó cần đánh giá bối cảnh và xu hướng hiện nay một cách rõ hơn về kinh tế, văn hóa, phát triển con người trong hội nhập toàn cầu.
Đối với tư duy, quan điểm phát triển, Thủ tướng gợi ý, cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa kinh tế, xã hội và môi trường, quan hệ giữa phát triển nhanh và bền vững, giữa phát triển toàn diện và tập trung mũi nhọn; bảo đảm nền kinh tế tự chủ, tự cường với xu hướng mở cửa nền kinh tế, hội nhập quốc tế. Trong đó phải xác định được các chỉ số để là một nền kinh tế tự cường./.
Theo VOV