Xây dựng NTM bền vững, từ lý luận đến thực tiễn
Sáng nay (24/12), trường Chính trị tỉnh phối hợp với Sở NN& PTNT tổ chức hội thảo khoa học " Xây dựng NTM phát triển bền vững - những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Nghệ An".
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hồ Xuân Hùng - Hội trưởng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cùng các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở trung ương và địa phương.
Toàn cảnh hội thảo. |
Nghệ An hiện có 203 xã, 3 đơn vị cấp huyện và 86 thôn bản đạt chuẩn NTM - cao hơn mức bình quân chung của cả nước. ....Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn thông cho rằng: mặc dù Nghệ An đã đạt được nhiều thành tích, là tỉnh đứng thứ 5 trên cả nước về xây dựng NTM, nhưng vẫn còn một số khó khăn cần được tháo gỡ, đó là: Hệ thống giao thông ở nhiều địa phương chưa phát triển bền vững, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nhiều nơi còn bế tắc…
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Thông phát biểu tại hội thảo. |
Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nguồn lực của các địa phương đầu tư vào xây dựng NTM chưa nhiều, vấn đề nông nghiệp, nông thôn phát triển chưa bền vững, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh… Đây là những câu hỏi lớn, cần có lời giải. Vì vậy, đồng chí mong rằng các nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ có những ý kiến, tham luận thiết thực để tỉnh, các ngành và các địa phương tiếp thu, áp dụng một cách phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn tới.
Các đồng chí chủ trì hội thảo. |
Hội thảo đã nhận được 28 bài tham luận tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý với nhiều góc nhìn khác nhau về ý nghĩa, hiệu quả và cả những trăn trở nhiều chiều. Tại hội thảo, các nhà khoa học tập trung phân tích cơ sở khoa học và thực tiễn của việc xây dựng NTM ở NA theo hướng bền vững; Những kinh nghiệm, những bài học có giá trị từ thực tiễn sau 8 năm xây dựng NTM; những tiềm năng lợi thế và thách thức; nhiệm vụ giải pháp xây dựng NTM phát triển bền vững ở Nghệ An đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nhiều ý kiến cho rằng: để xây dựng NTM giai đoạn 2 có hiệu quả, các địa phương cần chú trọng những vấn đề trọng tâm “chiều sâu, chất lượng, bền vững”. Đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn với phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị…
Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp – PTNT Việt Nam Hồ Xuân Hùng phát biểu tại hội thảo. |
Về nguồn lực đầu tư, các địa phương tập trung vận dụng nguồn huy động từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp – PTNT Việt Nam Hồ Xuân Hùng mong muốn Nghệ An “Xây dựng ngành nông nghiệp đa chức năng, hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa”. Đồng thời đề nghị tỉnh Nghệ An thực hiện một số giải pháp khác biệt xuất phát từ đặc điểm của địa phương, đó là nên phân tầng vùng nông thôn theo điều kiện của mỗi vùng: Nông thôn vùng thành phố, thị xã; nông thôn vùng miền núi, trung du; nông thôn vùng đồng bằng ven biển xa đô thị.....
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu kết luận tại hội thảo. |
Cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết và đầy trách nhiệm của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng khẳng định: Để đến năm 2020 toàn tỉnh có 265 xã đạt chuẩn NTM (tương đương với khoảng 61,5% số xã) như mục tiêu đã đề ra; tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả; thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, để chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện có hiệu quả, phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng chí yêu cầu trường Chính trị tỉnh và Sở NN và PTNT tiếp thu các ý kiến tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia; tổng hợp báo cáo trình UBND tỉnh bổ cứu các chương trình, đề án, giải pháp phù hợp với tiềm năng, lợi thế và đặc thù của các vùng miền.
Lê Hằng – Hữu Dũng