Tương Dương: Xây dựng thành công thương hiệu "Cà chua múi bản Phòng"
Bà Vang Thị Ninh ở bản Phòng là 1 trong 23 hộ đầu tiên tham gia dự án trồng rau sạch của bản Phòng, xã Thạch Giám. Bà cho biết, trước đây diện tích đất của gia đình bà chủ yếu trồng chuối phục vụ chăn nuôi, hiệu quả kinh tế không cao, chính vì thế, khi có dự án bà đã tích cực tham gia đầu tiên. Với 300m2 đất bà chủ yếu trồng các loại rau như bắp cải, rau cúc, đậu quả, cà chua múi..mùa nào thức ấy, quỹ đất quay vòng quanh năm. Hàng ngày, ngoài việc chăm lo sản xuất lương thực và chăn nuôi gia súc, gia cầm, bà Ninh còn tranh thủ chăm bón, thu hoạch rau. Nhờ đó, sau mỗi vụ rau, gia đình bà thu về khoảng 8 triệu đồng tiền lãi. Đó là chưa kể việc trồng rau bảo đảm nguồn thực phẩm rau xanh hàng ngày cho gia đình.
“Từ khi làm vườn cuộc sống thay đổi hơn rất nhiều, ổn định và có thu nhập cao hơn lấy củi, hái măng. So với hồi trước trồng lúa rẫy, thì bây giờ trồng rau thu nhập từ 200-300 nghìn/1 ngày, cuộc sống thay đổi hơn rất nhiều. Đặc biệt, nhờ có thu nhập từ trồng rau mà vào dịp tết gia đình tôi sắm sửa được đủ đầy hơn, sung túc hơn” – bà Ninh chia sẻ.
Ban đầu dự án sản xuất rau sạch ở bản Phòng chỉ có 23 hộ tham gia, sau đó dự án mở rộng, cả bản có 45 hộ dân cùng sản xuất trên diện tích hơn 2ha. Theo bà Lô Thị Diện một trong những hộ gia đình tham gia dự án cho biết, không chỉ các loại rau xanh dễ tiêu thụ mà các loại rau củ quả bản địa rất được thị trường ưa chuộng, đặc biệt cà chua múi – một đặc sản chỉ có duy nhất ở Tương Dương. Vào tháng 9 bà con bắt đầu làm đất trồng, chỉ sau 2 tháng đã có thu hoạch, đến tháng 12 thu hoạch rộ. Như gia đình bà Diệu, bình quân mỗi ngày thu hoạch được 1 yến cà chua, với giá bán trên thị trường hiện nay từ 25-30.000đ/1kg, từ đầu vụ đến nay bà đã thu về 6 triệu đồng từ tiền bán cà chua. Bà cho biết nguồn giống cà chua tự túc, chăm bón bằng phân chuồng và phân xanh, không dùng bất kỳ loại hóa chất nào. Để hạn chế các điều kiện môi trường bất lợi và ngăn chặn sâu bệnh và dịch hại tấn công bà còn đầu tư làm nhà phủ nilon. Hàng ngày có rất nhiều người dân ở các vùng lân cận thường xuyên tìm vào để mua rau sạch tại vườn của gia đình bà.
“Gia đình tôi tham gia dự án từ năm 2011 đến nay, được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm bón, nên năng suất, sản lượng cũng cao, đặc biệt từ khi thành lập được tổ hợp tác xã rau sạch bản Phòng thì xây dựng được thương hiệu cà chua múi, khi có thương hiệu rồi thì rất thuận lợi về mặt đầu ra, từ đó người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình. Thị trường cung cấp rau chủ yếu trong huyện và TP Vinh, cũng có đơn đặt hàng từ Hà Nội” - vừa nhanh tay sắp những quả cà chua múi to chín mọng vào hộp giấy, bà Diện vừa cho biết.
Mô hình sản xuất rau sạch được Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp với Khoa Nông - lâm - ngư trường Đại học Vinh hỗ trợ xây dựng. Đây là dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, được triển khai trên diện tích 2ha, trước đây vốn là vùng đất cằn cỗi, dân bản khai hoang trồng lúa, trồng sắn nhưng quanh năm thiếu nước nên hầu hết phải bỏ hoang. Với sự hỗ trợ của Sở KHCN, trạm Khuyến nông và phòng NN&PTNT huyện đã tạo điều kiện mở các lớp tập huấn cho người dân, toàn bộ diện tích này đã trở thành vùng chuyên canh rau sạch của huyện Tương Dương. Tất cả các công đoạn trồng rau và chăm sóc rau đều được làm bằng phương pháp thủ công. Bên cạnh đó, trồng xen cây ngắn ngày và cây dài ngày cũng là một cách làm mà các hộ trồng rau áp dụng để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng thu nhập. Theo đó, mức thu nhập những năm đầu đối với 1 hộ dân ở đây khoảng từ 5-6 triệu/ 1 vụ rau. Còn hiện nay, mức thu nhập của người dân cũng đã cao hơn, có thể lên đến 12 triệu đồng/1 vụ rau..
“ Khi người dân tiếp thu được KHKT thì bà con có kỹ thuật sản xuất và hiệu quả mang lại tốt hơn. Ngoài cung cấp các loại rau sạch thì ở đây còn duy trì được một lợi thế đó là bà con nhân dân còn duy trì được các loại rau củ quả bản địa và đang từng bước xây dựng thương hiệu. Trong đó có cà chua múi, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Dự án JICA, bà đã thành lập Tổ hợp tác xã sản xuất rau quả sạch bản Phòng, xây dựng thành công thương hiệu “Cà chua múi bản Phòng”, làm cầu nối để quảng bá sản phẩm của địa phương. Sắp tới chúng tôi tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích và duy trì hiệu quả mô hình” - bà Lương Thị Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám trao đổi.
Thông qua thực hiện mô hình, không chỉ thay đổi được truyền thống sản xuất của bà con nông dân mà còn xây dựng thành công thương hiệu "Cà chua múi bản Phòng" trên thị trường. Điều đáng ghi nhận, cho đến nay, sau 7 năm được UBKT Tỉnh ủy hỗ trợ xây dựng, mô hình rau sạch bản Phòng vẫn đang tiếp tục phát triển tốt, giúp đỡ bà con có thêm một nguồn thu nhập đáng kể, cuộc sống cũng như diện mạo bản làng ngày một khởi sắc hơn.
Hiến Chương